Hành vi làm giả con dấu được vị cựu giám đốc này lặp lại nhiều lần |
Công ty cổ phần May công nghiệp Hà Nội (Công ty May công nghiệp Hà Nội) được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ năm 2009. Nguyễn Đức Thái là người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc Công ty. Theo biên bản Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015, Nguyễn Đức Thái sở hữu 6,13% vốn điều lệ Công ty (tương đương 46.000 cổ phần).
Ngoài số vốn trên, Thái không góp thêm phần vốn nào khác vào Công ty May công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn (từ năm 2014 đến 2015), vị cựu giám đốc này liên tiếp thực hiện hành vi giả chữ ký Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty để chiếm dụng vốn của những nhà đầu tư cả tin.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng cuối tháng 7/2015, Thái thông báo với anh Nguyễn Mạnh Hùng về việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang bị thanh tra, nên doanh nghiệp này phải thoái vốn tại các công ty con. Theo lời Thái, Công ty May công nghiệp Hà Nội do Nhà nước sở hữu 51% vốn (đại diện phần vốn này là Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội), nên cần phải bán đi 31% vốn cho các cá nhân và mọi thủ tục phải thực hiện trước ngày 10/8/2015.
Sau khi tung tin, Thái rủ anh Hùng cùng tham gia mua 20% cổ phần để trở thành cổ đông sáng lập và tham gia vào Hội đồng quản trị Công ty May công nghiệp Hà Nội sau bán vốn. Do tin tưởng vào chức danh Giám đốc của Thái, anh Hùng đã chuyển 200 triệu đồng cho Thái.
Sau khi nhận được biên bản họp Hội đồng quản trị, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, anh Hùng tiếp tục đưa cho Thái 230 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hạn cam kết, do không nhận được quyết định, anh Hùng mới tìm đến công ty này để tìm hiểu. Đối chiếu chữ ký trong các hợp đồng được giao nhận, anh Hùng phát hiện giấy tờ bị giả mạo.
Thực tế, 1 năm trước đó, Nguyễn Đức Thái đã giả mạo chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May công nghiệp Hà Nội là ông Phạm Hòa Bình để chuyển nhượng cổ phần cho ông Nguyễn Việt Dũng với số tiền là 950 triệu đồng.
Thái lấy mẫu chữ ký của ông Bình và thuê một người đàn ông làm giả con dấu, chữ ký. Sau khi đóng dấu đỏ vào giấy nhận góp vốn, Thái chuyển cho ông Dũng và nhận số tiền. Bản chất hợp đồng góp vốn là Thái vay tiền ông Dũng, nhưng do khoản vay trước chưa thanh toán hết nên Thái sử dụng chiêu trò này.
Ngoài thủ đoạn trên, cựu giám đốc Công ty May công nghiệp Hà Nội còn đóng dấu Công ty để ký hợp đồng thuê xe ô tô nhằm chiếm đoạt tiền. Thậm chí, bị cáo còn thuê người làm giả chứng nhận quyền sử dụng đất, giả mạo công chứng viên xác lập các hợp đồng ủy quyền nhằm mục đích lừa đảo. Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại là hơn 12 tỷ đồng.
Theo 2 bản án ngày 18/4/2017 và ngày 22/12/2017, tổng hợp hình phạt chung, cựu giám đốc Công ty May công nghiệp Hà Nội lĩnh án 30 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ông Phạm Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May công nghiệp Hà Nội cho biết, Nguyễn Đức Thái không có ý kiến đề nghị bán số cổ phần góp vốn. Công ty cũng chưa từng cho phép Thái bán số cổ phần này. Những lời khai tại tòa, bị cáo Thái thừa nhận thực hiện hành vi lừa đảo do kinh doanh thua lỗ, nợ nần nhiều.
Theo các luật sư, đây là vụ án với thủ đoạn phạm tội tinh vi nhằm “qua mặt” nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng chiêu giả mạo con dấu để chiếm dụng vốn nhà đầu tư, chẳng hạn như vụ việc cựu giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch An Phát (chủ đầu tư Dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân) góp vốn “ảo”, tự ý biến đất dự án thành tài sản riêng để chiếm đoạt số tiền hơn 30,5 tỷ đồng…
Điểm chung của những vụ án này là bị hại thường là người thân quen, do tin tưởng đối tượng mà không tìm hiểu kỹ thông tin và đưa ra quyết định rót vốn đầu tư nhanh chóng.