Ông Lê Hữu Chí tại tòa. |
Theo nhà chức trách, năm 1992, ông Lê Hữu Chí (trú xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) làm đơn gửi chính quyền xã xin nhận 82 ha đất rừng theo nghị định về phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhận đất, ông Chí bỏ vốn làm trang trại, trồng cây keo, thu hoạch được vài vụ và mang lại kết quả tốt.
Tháng 8/2017, ông Chí nhận thông báo của TAND huyện Hương Khê về việc Công ty Cao su Hương Khê khởi kiện tranh chấp hợp đồng giao khoán trồng rừng.
Theo đơn khởi kiện, năm 2003, Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh (tiền thân của Công ty cao su Hương Khê) ký hợp đồng hợp tác trồng rừng với ông Chí trên diện tích 7,74 ha tại tiểu khu 214, thuộc dự án trồng rừng nguyên liệu của Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam.
Hợp đồng nêu, khi có lợi nhuận công ty và xí nghiệp được hưởng 57%, phía ông Chí được hưởng 40%, UBND xã Hương Giang hưởng 3%. Công ty này tính toán, rừng keo thời điểm trồng đến nay đã 13 năm, sản lượng 120 tấn một ha, tổng số tiền bán sản phẩm keo rừng hơn một tỷ đồng, chi phí hơn 500 triệu. Trong số tiền còn lại gần 500 triệu, công ty cao su được hưởng 57%.
Công ty cao su cho hay nhiều lần thông báo bằng văn bản cho ông Chí để thanh lý hợp đồng song ông không hợp tác. Việc này là vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại về kinh tế nên khởi kiện đòi công nhận quyền khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm với số cây keo trên diện tích rừng ông Chí đang trồng.
Tại phiên tòa mở đầu tháng 7, ông Chí cho rằng nội dung đơn kiện không có cơ sở pháp lý, bởi ông không ký bất cứ hợp đồng hay văn bản nào với nguyên đơn. Hợp đồng năm 2003 được công ty trưng ra tại tòa là giả, đề nghị xem xét tính pháp lý và yêu cầu đưa bản gốc để đối chiếu.
"Tôi vô cùng ngỡ ngàng khi nhận đơn. Tôi cho rằng mục đích công ty là muốn đòi ăn chia phần trăm tiền bán cây keo của gia đình tôi, nên làm giả hợp đồng và ký khống chữ ký để kiện", ông Chí nói.
Đáp lời, đại diện công ty cao su cho rằng hợp đồng năm 2003 là đúng song bản gốc bị thất lạc do địa bàn trải qua nhiều trận lũ lụt.
Quá trình xác minh, tòa khẳng định hợp đồng mà công ty cao su đưa ra trên là không tồn tại trên thực tế. Bởi năm 2003, khi ký hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp này chưa có tên là Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh và chưa có con dấu. Thời điểm đó, công ty sử dụng con dấu là Công ty sản xuất kinh doanh thông Hà Tĩnh.
Năm 2006, đơn vị này mới đổi tên, như vậy đến lúc đó tên và con dấu của công ty mới có hiệu lực. Vì thế, tòa đánh giá: Không có trường hợp nào lại sử dụng tên công ty và con dấu trước ba năm để giao dịch khi chưa được phép sử dụng.
Từ những nhận định trên, HĐXX bác toàn bộ đơn khởi kiện, không chấp nhận yêu cầu của Công ty cao su Hương Khê.
Sau phán quyết trên, ông Chí cùng người nhà vui mừng, còn đại diện công ty cao su buồn rầu ra về.