Tên lửa BrahMos II do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Ảnh: Sputnik.
Các chuyên gia quân sự Anh lo ngại loại tên lửa siêu vượt âm mới mang tên Zircon của Nga có khả năng phá hủy những tàu sân bay đắt đỏ của London chỉ với một lần khai hỏa, Sun ngày 26/3 đưa tin.
Theo các chuyên gia này, tên lửa Zircon có vận tốc lên đến 7.000 km/h, gấp 6 lần vận tốc âm thanh, trong khi hệ thống phòng không Sea Ceptor của hải quân Hoàng gia Anh chỉ có thể bắn hạ các tên lửa có vận tốc tối đa 3.700 km/h.
"Tên lửa siêu vượt âm hầu như không thể đánh chặn. Khi không có phương án chống lại tên lửa Zircon, các chiến hạm của chúng ta chỉ có thể hoạt động ngoài tầm bắn của nó", một quan chức hải quân cấp cao của Anh thừa nhận.
Trong khi đó, các tàu sân bay buộc phải tiến đến mục tiêu đủ gần để chiến đấu cơ có thể cất cánh thực hiện nhiệm vụ và trở về trong tầm hoạt động của mình. Điều này khiến các tàu sân bay có giá tới 7,8 tỷ USD của Anh như HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales có nguy cơ bị vô hiệu hóa chỉ với một phát bắn của tên lửa Zircon.
Chuyên gia hải quân Pete Sandeman cho rằng ngay cả khi tên lửa Zircon bị phá hủy ở cự ly gần thì những mảnh vỡ của nó vẫn có động năng rất lớn và gây hư hỏng nặng cho con tàu.
"Tên lửa Zircon có thể bay 250 km trong hai phút rưỡi, nhanh hơn tốc độ một viên đạn súng trường bắn tỉa. Đối phương sẽ không có đủ thời gian để sợ hãi", theo chuyên gia Andrei Akulov thuộc trang phân tích quân sự Strategic Culture.
Tên lửa Zircon có tầm bắn hơn 800 km, có thể trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, từ đầu đạn nổ mạnh cho tới hạt nhân. Nó có thể được phóng từ đất liền, tàu chiến hoặc tàu ngầm và nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những vũ khí nguy hiểm nhất của thế kỷ 21.
Harry J Kazianis, chuyên gia thuộc National Interest, tin rằng những vũ khí như tên lửa Zircon có thể biến các siêu tàu sân bay Mỹ thành "những nấm mồ nhiều tỷ USD cho hàng nghìn thủy thủ".
Tên lửa BrahMos do Nga và Ấn độ hợp tác sản xuất bắn thử nghiệm
Tên lửa Zircon được nghiên cứu và phát triển từ năm 2011 và dự kiến trang bị cho tàu tuần dương hạt nhân Pyotr Velikiy của hải quân Nga vào năm 2018.
Tuy các tính năng kỹ chiến thuật của loại tên lửa này vẫn trong vòng bí mật, nhiều chuyên gia quân sự nhận định Zircon chính là phiên bản không xuất khẩu của tên lửa siêu vượt âm BrahMos II do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất.