Năng lượng là ngành then chốt, cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: Văn Thịnh |
Quyết tâm xanh hóa ngành năng lượng
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Phát biểu tại Hội thảo Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh tổ chức ngày 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (vào tháng 10/2021 - ngay trước thềm Hội nghị COP 26) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (vào ngày 22/7/2022). Có thể nói việc cụ thể hóa từ cam kết toàn cầu thành mục tiêu quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cam kết tại COP 26 thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh và sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, nhiều ý kiến tại Hội thảo nhận định, Việt Nam cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR), tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để tăng cường khả năng chống chịu và khử các bon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, bình quân xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử các bon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, dự kiến tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 - 2040.
“Ước tính nêu trên của WB là một minh chứng cho thấy, năng lượng là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, trên cơ sở giả định tính toán nhu cầu đầu tư năng lượng đối với chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, theo kịch bản cao, có tính toán tất cả các giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật (chưa tính toán vấn đề thương mại hóa), nhu cầu vốn đầu tư cho chuyển đổi xanh của ngành năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 chiếm 87,6% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Nhu cầu vốn này có giảm dần trong các giai đoạn sau nhưng vẫn chiếm trên 50% tổng nhu cầu đầu tư cho nỗ lực chuyển đổi xanh.
Trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo tính toán của chúng tôi khi xây dựng Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu cần 373 tỷ USD (thời giá năm 2020), thích ứng với biến đổi khí hậu cần khoảng 100 tỷ USD. Đây là con số khổng lồ đối với Việt Nam”.
Huy động tối đa các nguồn lực
Ông Tấn cho hay, tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Trong cam kết tại COP 26 có phần cam kết không kèm theo điều kiện và cam kết có kèm theo điều kiện. Với cam kết không kèm theo điều kiện, rõ ràng nguồn lực của Việt Nam là từ ngân sách nhà nước, huy động tư nhân... Còn phần cam kết có điều kiện là khi quốc tế hỗ trợ Việt Nam bằng nguồn vốn không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay ưu đãi cộng với cơ chế chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính của Thỏa thuận Paris cũng như Công ước Liên hợp quốc về Chống biến đổi khí hậu”, ông Tấn cho biết.
Nhằm bảo đảm các mục tiêu cam kết tại COP 26, Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đề xuất giải pháp chính sách để huy động nguồn lực chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững.