Một nhân viên môi giới tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: Getty Images. |
“Những căng thẳng trên thị trường chúng ta chứng kiến trong quý này không phải là sự kiện riêng lẻ”, Claudio Borio, đứng đầu bộ phận tiền tệ và kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – “ngân hàng trung ương” của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cho biết.
“Bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ là thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị”.
Thông tin trên xuất hiện vào thời điểm chứng khoán thế giới đang chịu áp lực bởi hàng loạt yếu tố, từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến lo ngại gia tăng về khả năng kinh tế thế giới chững lại trong năm 2019.
BIS nhấn mạnh việc các ngân hàng trung ương đều đặn tăng lãi suất là thách thức đặc biệt đối với thị trường chứng khoán. Fed khả năng cao sẽ tăng lãi suất 0,25% trong tuần này.
“Thị trường tài chính vừa trải qua một đợt điều chỉnh mạnh trong quý IV khi nhiều ngân hàng trung ương lớn dần đưa chính sách tiền tệ theo hướng bình thường hóa”, theo báo cáo của BIS.
Tất cả những lực cản với thị trường xuất hiện trong 3 tháng cuối năm 2018 dự kiến còn lan sang ít nhất là đến quý I/2019, khiến BIS phải cảnh báo thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tăng lãi suất
Tăng chi phí đi vay có thể làm tăng trưởng chững lại. Fed dự kiến tăng lãi suất 0,25% trong tuần này. Fed còn cân nhắc tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Fed có thể giảm số lần, dựa trên những bình luận có phần mềm mỏng hơn từ giới chức cơ quan này và triển vong kinh tế không mấy lạc quan cho năm 2019.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/12 thông báo sẽ chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ USD vào cuối tháng 12. Đây là thời điểm lịch sử với ECB khi ngân hàng này quyết định thoát khỏi chính sách thời khủng hoảng eurozone sau gần 4 năm.
Chiến tranh thương mại
BIS coi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và triển vọng kinh tế 2019 là các yếu tố gây lo ngại tiếp theo đến nhà đầu tư.
Ngày 16/12, số liệu kinh tế không đạt kỳ vọng từ Trung Quốc đã làm rung lắc thị trường tài chính. Số liệu đó còn thể hiện rõ rủi ro đang gia tăng trong kinh tế Trung Quốc khi nước này và Mỹ đang có tranh chấp thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày để quan chức hai nước đàm phán. Giới quan sát hoài nghi về khả năng hai nước có thể đạt một thỏa thuận thương mại trong khung thời gian này.
Bất ổn chính trị
Cuối cùng, BIS cho biết “những bất ổn chính trị gia tăng” sẽ tạo ra một đợt tháo chạy sang tài sản an toàn. Tại châu Âu, ngoài căng thẳng liên quan việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Pháp đang đối mặt bất ổn dân sự còn Italia và EU bất đồng về kế hoạch ngân sách.