Chứng khoán Mỹ lao dốc vì lãi suất tăng, giá dầu đi lên

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng Fed có thể đưa được lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra thiệt hại về kinh tế...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên ngày thứ Năm (21/4), khi mối lo về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lấn át sự lạc quan có được nhờ loạt báo cáo tài chính khả quan. Giá dầu thô tăng do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tiếp tục phủ bóng lên thị trường.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 368,03 điểm, tương đương giảm 1,05%, còn 34.792,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,48%, còn 4.393,66 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,07%, còn 13.174,65 điểm.

Cả ba chỉ số cùng tăng điểm mạnh vào đầu phiên giao dịch, khi thị trường hứng khởi vì một loạt dữ liệu doanh thu và lợi nhuận quý 1 vượt dự báo của các doanh nghiệp niêm yết. Có lúc, Dow Jones tăng 0,9% và S&P 500 cùng Nasdaq tăng hơn 1% mỗi chỉ số.

Nhưng sắc xanh không thể duy trì lâu khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – lãi suất tham chiếu của thị trường tài chính Mỹ - vượt 2,9% trong phần lớn thời gian của phiên, gần mức đỉnh kể từ cuối 2018 thiết lập trong tuần này.

Hồi đầu năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn ở mức gần 1,5%. Lợi suất không ngừng tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát sự leo thang của giá cả ở Mỹ.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ sớm lập đỉnh. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn kéo dài của chuỗi cung ứng và khan hiếm nhân công có thể sẽ dễ dàng đẩy lạm phát lên cao hơn nữa”, chiến lược gia trưởng Joseph Kalish của Ned Davis Research phát biểu trên CNBC. “Trong trường hợp đó, Fed có thể phải nâng lãi suất lên cao hơn ngưỡng 3,25-3,5% sau 1 năm nữa như đang được phản ánh vào thị trường hiện nay”.

Lợi suất trái phiếu tăng trong phiên ngày thứ Năm khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể tăng mạnh lãi suất vào tháng tới. Phát biểu tại một cuộc thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức, ông Powell nói “theo quan điểm của tôi, sẽ là phù hợp nếu hành động nhanh một chút” trong việc tăng lãi suất. “Mức nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng nay sẽ được cân nhắc”.

Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng Fed có thể đưa được lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra thiệt hại về kinh tế.

“Họ sẽ cần cả ba yếu tố gồm kỹ năng, thời gian và cả sự may mắn để có được một cú hạ cánh mềm”, chuyên gia Mohamed El-Erian của Allianz nhận định trên CNBC.

Nếu không có loạt báo cáo tài chính khả quan, chứng khoán Mỹ có thể đã có một phiên giảm điểm mạnh hơn.

Trong đó phải kể đến cổ phiếu Tesla tăng 3% sau khi các số liệu về doanh thu và lợi nhuận quý 1 của hãng xe điện này đều vượt dự báo của giới phân tích. Cổ phiếu hàng không cũng là một điểm sáng, như United Airlines tăng 9% sau khi hãng dự báo sẽ có lãi strong năm nay.

Đến phiên này, đã có 17% số công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 1, trong đó gần 81% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,57%, chốt ở 103,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,64 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 108,44 USD/thùng.

Giá dầu biến động khá mạnh trong tuần này, khi sự gián đoạn nguồn cung dầu tư Libya và Nga là yếu tố hỗ trợ, trong khi việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây sức ép giảm lên giá “vàng đen”.

Giới phân tích nói rằng giá dầu sẽ duy trì xu hướng biến động mạnh trong thời gian tới, vì Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cân nhắc lệnh cấm vấn dầu Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

“Dầu và thị trường năng lượng nói chung đang đối mặt nhiều vấn đề nên khó có thể ít biến động được lâu”, nhà phân tích Tobin Gorey của Commonwealth Bank nhận định.

Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và chính sách phong toả chống dịch mà nước này theo đuổi vẫn đang đặt ra trở ngại đối với triển vọng tăng giá của dầu. Tuy nhiên, nguồn cung dầu vẫn đang bị thắt chặt vì OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, không thể sản xuất đủ hạn ngạch sản lượng.

Chuyên đề