Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang cho biết, quy mô hợp tác giữa hai nước đã lên tới hơn 57,6 tỷ USD. Khoảng một nửa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực ASEAN đang hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác hợp tác hàng đầu của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ hai nước hiện đã phát triển vượt bậc, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác phát triển, lao động đến giao lưu nhân dân… Đặc biệt, Việt Nam là đối tác hàng đầu trong Chính sách hướng nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.
Ông Moon Hee Sang mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tích cực giao lưu kinh tế để góp phần vào phồn vinh chung của hai nước cũng như trong khu vực châu Á. Quốc hội Hàn Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hoạt động của doanh nghiệp hai nước; đồng thời nhấn mạnh, Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là cơ hội đối thoại hữu ích đối với doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm hết sức ý nghĩa và thuận lợi khi hai nước đang chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế sau 26 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc là hai dân tộc cùng xuất phát từ nền văn minh lúa nước và cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh đó, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng những nét gần gũi về văn hóa, phong tục tập quán. Hàn Quốc với “Kỳ tích sông Hàn” đã trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam đang được coi là hình mẫu thành công trong quá trình đổi mới, mở cửa để phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cho biết sau hơn 30 năm đổi mới với tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình năm 2018 với quy mô GDP đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 475 tỷ USD và dân số khoảng 94 triệu người với cơ cấu dân số vàng. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển, dự kiến đến năm 2030 có khoảng 50% dân số gia nhập tầng lớp này, sẽ vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn, vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, như: Công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, may mặc, xây dựng... Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, giúp ổn định cán cân thương mại, thúc đẩy an sinh - xã hội của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc chính là nhà ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia đi vào thực chất, hiệu quả.
Quy mô thương mại của hai nước cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực, tăng trưởng về thương mại đã tăng gần 130 lần, đạt mức 64 tỷ USD vào năm 2017.
Nhân chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Hàn Quốc, ngày 6/12 vừa qua, đại diện cơ quan hữu quan hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình hành động hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Hai nước hiện là những đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp. Các hoạt động thương mại song phương đã gián tiếp góp phần định hình một số ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cũng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nhập khẩu và sự lựa chọn của nguời tiêu dùng. Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã dần có vị trí quan trọng tại thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là các sản phẩm hoa quả nhiệt đới”.
Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị để cùng phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước. Đặc biệt, Việt Nam đang xem xét có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp - chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án start-up...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, chúng tôi đang tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng gắn với 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Các hoạt động này đang được triển khai rất mạnh mẽ, tạo ra dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài liên kết để cùng phát triển”.
Ảnh: TTXVN
Tại Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đã rất quan tâm và bày tỏ sự ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tầm nhìn, định hướng quan hợp tác tác kinh tế giữa hai nước; phần nội dung trao đổi thắng thắn, cụ thể của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương tại phiên trao đổi chính sách về những lĩnh vực có rất nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như M&A doanh nghiệp Nhà nước, năng lượng tái tạo, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, nâng cao liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Phiên kết nối doanh nghiệp diễn ra hết sức sôi động, thực chất với sự tham dự của khoảng 200 tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc và 50 doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên đã có sự kết nối, trao đổi về cơ hội hợp tác trong 5 nhóm lĩnh vực gồm: Thương mại - dịch vụ; nông nghiệp - chế biến thực phẩm; công nghiệp chế tạo; xây dựng, hạ tầng và tài chính...
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã chứng kiến lễ khai trương thương mại đường bay của Hãng hàng không Vietjet, kết nối Đảo Ngọc Phú Quốc (Việt Nam) với Seoul (Hàn Quốc). Đường bay Phú Quốc - Seoul được chính thức khai thác khứ hồi hằng ngày từ 22/12/2018 với thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút.