Ông Carlos Ghosn - Ảnh: Reuters. |
Tập đoàn sản xuất ôtô Nhật Bản Nissan ngày 19/11 tuyên bố sẽ sa thải Chủ tịch Carlos Ghosn vì nghi án gian lận tài chính.
Cùng với đó, đài truyền hình Nhật NHK cho biết ông Ghosn đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ - một vụ việc gây chấn động giới kinh doanh toàn cầu bởi ông Ghosn vốn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ngành công nghiệp ôtô thế giới, được ca ngợi là có công lớn trong việc cứu Nissan khỏi bờ vực phá sản.
Theo tin từ Reuters, một tuyên bố của Nissan nói rằng nghi án sai phạm của ông Ghosn bao gồm sử dụng tiền công ty cho mục đích cá nhân và không khai báo đầy đủ về mức thu nhập.
Ngoài cương vị Chủ tịch Nissan, ông Ghosn còn là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe Pháp Renault, một đối tác của Nissan. Việc ông bị bắt giữ đang đặt ra những câu hỏi về số phận liên minh Nissan-Renault.
Nissan cho biết đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng sau khi có người hé lộ những sai phạm của ông Ghosn và Giám đốc đại diện Greg Kelly. "Cuộc điều tra cho thấy, trong nhiều năm, cả Ghosn và Kelly đều báo cáo mức thu nhập cá nhân lên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo thấp hơn so với con số thực tế", tuyên bố của hãng xe có đoạn viết.
Tuyên bố cho biết CEO Hiroto Saikawa sẽ đề xuất Hội đồng Quản trị sa thải cả Ghosn và Kelly.
Giá cổ phiếu Renault lao dốc 11% trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai tại thị trường Paris. Cổ phiếu Nissan niêm yết trên thị trường chứng khoán Đức "bốc hơi" 11%.
Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng Chính phủ Pháp, cổ đông lớn nhất của Renault, sẽ theo dõi sát sao tình hình tại Renault và liên minh của hãng này với Nissan.
Được mệnh danh là "Le Cost Killer" (tạm dịch: Người diệt chi phí), ông Ghosn được đánh giá là có công đầu trong việc "hồi sinh" Nissan. Ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi bất chấp việc mạnh tay sa thải nhân công và những tranh cãi gần đây xung quanh gói thù lao "khủng" mà ông nhận được.
Truyền thông Nhật Bản nói rằng ông Ghosn chỉ báo cáo mức thu nhập khoảng 5 tỷ Yên, cho dù nhận thực tế khoảng 10 tỷ Yên, tương đương gần 89 triệu USD. Việc báo cáo thu nhập sai được cho đã kéo dài trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2011.
Ông Ghosn, 64 tuổi, là người định hình liên minh Nissan-Renault và đã cam kết sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên minh này. "Phản ứng của giới đầu tư thể hiện qua biến động giá cổ phiếu cho thấy vai trò quan trọng của ông ấy", nhà phân tích Raghav Gupta-Chauhary của Citibank nhận định.
Trong liên minh bắt đầu từ năm 1999 này, Renault sở hữu 43,4% Nissan, còn Nissan nắm 15% Renault. Từ năm 2016, Nissan nắm 34% của hãng xe Nhật Bản Mitsubishi.
Tờ báo Nhật Asahi nói rằng cơ quan công tố đã bắt đầu lục soát trụ sở Nissan và các địa điểm khác của hãng xe này vào buổi tối ngày thứ Hai.
Là một người gốc Lebanon, sinh ra tại Brazil và có quốc tịch Pháp, ông Ghosn bắt đầu sự nghiệp bằng một công việc tại hãng sản xuất bánh xe Michelin ở Pháp, rồi chuyển tới Renault. Ông gia nhập Nissan vào năm 1999 sau khi Renault mua một cổ phần kiểm soát, tiếp đó giữ cương vị CEO của hãng này từ năm 2001 cho tới năm ngoái.
Hồi tháng 6 năm nay, cổ đông Renault nhất trí khoản thù lao 7,4 triệu Euro, tương đương 8,45 triệu USD, trả cho ông Ghosn trong năm 2017. Ngoài ra, ông còn nhận được 9,2 triệu Euro trong năm cuối cùng làm CEO của Nissan.