DN cần chuẩn bị tốt về công nghệ, vốn, thông tin và khả năng kết nối với các DN FDI để khai thác tốt cơ hội từ CPTPP. Ảnh: Lê Tiên |
GDP có thể tăng thêm 1,32%
Theo dự kiến, CPTPP sẽ được 11 nước thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) ký kết vào ngày 8/3 tới đây tại Chile. Mặc dù không còn sự tham gia của Hoa Kỳ nhưng CPTPP vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Bộ Công Thương cho rằng, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Mặt khác giúp cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. “Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài”, Bộ Công Thương khẳng định. Hơn nữa, CPTPP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Đồng tình với phân tích này, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhìn nhận, CPTPP sẽ có nhiều tác động tới xuất nhập khẩu của Việt Nam. Mặc dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhưng về tổng thể, CPTPP vẫn có lợi cho Việt Nam so với trường hợp không tham gia. Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% (với TPP con số này là 6,7%). Việt Nam cũng sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu là trên 4% so với không tham gia CPTPP. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6%. Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian… Việc tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Kỳ vọng khá lớn vào việc CPTPP sẽ được ký kết, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, với thông tin CPTPP sẽ được ký kết vào tháng 3 năm nay, ngành dệt may sẽ có cơ hội tại hai thị trường khá lớn là Australia và Canada. Nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp (DN) dệt may mong muốn các thương vụ Việt Nam tại các nước này chủ động hướng dẫn DN tiếp cận thị trường tốt nhất, nhất là tận dụng cơ hội để các DN có được ngay đơn hàng mùa thu đông năm 2018…
Làm gì để không lỡ cơ hội?
Để nắm bắt tốt nhất cơ hội từ CPTPP, hạn chế những rủi ro, giúp nền kinh tế phát triển đúng hướng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, cần tập trung vào hai vấn đề căn bản. Đầu tiên là thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô với việc chú trọng các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả. Đối với ngành công nghiệp, quan tâm các nội dung hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai là tạo điều kiện cho các DN tăng sức cạnh tranh với sự chuẩn bị tốt về công nghệ, vốn, thông tin và khả năng kết nối với các DN FDI để đón đầu các FTA mới.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia thì cho rằng, Australia là một trong những thành viên của CPTPP, là thị trường tiềm năng với DN Việt Nam, song đây cũng là thị trường có những quy định chặt chẽ, khắt khe về an toàn thực phẩm, kỹ thuật. Do đó, các DN xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu không chỉ vào thị trường Australia mà còn nhiều thị trường khác. Điều quan trọng hơn, theo TS. Võ Trí Thành, CPTPP là FTA thế hệ mới với chất lượng cao sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ cho nền kinh tế theo hướng bền vững.
Theo Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo CPTPP, sẽ có 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng. Trong đó, có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và chống tham nhũng. Ngoài ra, phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với năng lực thực thi của các thành viên, đặc biệt trong bối cảnh các lợi ích thu được từ việc Hoa Kỳ mở cửa thị trường không còn nữa.