Một góc khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh minh họa |
Khó kêu gọi đầu tư trường học theo hình thức xã hội hóa
Thực hiện chương trình khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng trên địa bàn thành phố, Ban Văn hóa Xã hội và Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội vừa có buổi kiểm tra thực tế tại khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm.
Tại buổi kiểm tra thực tế, báo cáo với đoàn khảo sát, đại diện chủ đầu tư khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) cho biết, đến nay, đơn vị đã thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (trường học, khu vui chơi, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng) theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Diện tích các công trình xã hội, sinh hoạt cộng đồng, để xe đảm bảo theo thiết kế được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, hiện nay đã có 1 trường mầm non do chủ đầu tư trực tiếp xây dựng được đưa vào khai thác từ năm 2013 theo đúng công năng và hoạt động có hiệu quả. Tại tầng 1 của các khối nhà chung cư cao tầng có bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vực để xe đạp, xe máy. Các phòng sinh hoạt cộng đồng được đầu tư theo dự án là nơi sinh hoạt, hội họp của cư dân trong các tòa nhà, đồng thời, cũng là nơi sinh hoạt tập trung của các tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư.
Theo đơn vị này, trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư không thực hiện điều chỉnh quy hoạch liên quan đến thay đổi các công trình hạ tầng xã hội khi thực hiện dự án tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.
Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý vận hành các công trình giáo dục nên việc kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh các công trình trường học còn chậm trễ. Đến nay, đơn vị mới chỉ đầu tư xây dựng được 1 trường mầm non, còn 1 trường mầm non và 1 trường Tiểu học, 1 trường Trung học cơ sở chưa kêu gọi đầu tư được theo hình thức xã hội hóa.
Bên cạnh đó, theo đại diện chủ đầu tư, các Ban quản trị hoạt động chưa được hiệu quả, nhân sự không ổn định. Xí nghiệp quản lý vận hành Khu đô thị không cân đối được về tài chính thu chi, phí dịch vụ thu từ các căn hộ không bù đắp được chi phí duy tu, duy trì. Do đó, hiện nay, chủ đầu tư vẫn phải bù lỗ cho hoạt động của Xí nghiệp quản lý vận hành Khu đô thị.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư kiến nghị huyện Gia Lâm và TP. Hà Nội hỗ trợ trong việc kêu gọi xã hội hóa, giới thiệu các nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư, quản lý xây dựng các trường học còn thiếu. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung của khu đô thị, quan trắc môi trường định kỳ hàng năm để đảm bảo tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường…
Thiếu đồng bộ về hạ tầng
Tham dự đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, đây là khu đô thị có thiết kế khá hoàn chỉnh với tỷ lệ hạ tầng cây xanh, môi trường rất tốt. Chủ đầu tư cũng rất có trách nhiệm từ khâu đầu tư đến quản lý vận hành.
Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đã ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt, toàn bộ quy hoạch diện tích dành cho xây dựng hạ tầng xã hội trong đó có xây dựng các trường học được giữ nguyên, không có sự điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng xã hội trong đó có trường học chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; quá trình lập quy hoạch chưa tính hết các yếu tố: chợ dân sinh, nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng… hạ tầng kỹ thuật hiện vẫn chưa được hoàn thiện theo đúng thiết kế được phê duyệt…
Xác định việc xây dựng trường học là một trong những yếu tố tiên quyết đi đầu, đoàn khảo sát đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư đưa 4 trường còn thiếu vào danh mục kêu gọi đầu tư, sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Huyện cũng cần cập nhật thêm trường trung học phổ thông vào quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đoàn cũng đề nghị chủ đầu tư tiếp tục quan tâm tới các vấn đề an sinh xã hội như: vấn đề nước sạch, an ninh trật tự… đặc biệt cần sớm hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ dân tại đây.