Điểm cầu Hội nghị tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Hội nghị có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham gia theo dõi của hơn 1.200 DN, hiệp hội DN ở các đầu cầu trên toàn quốc nhằm chia sẻ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua, nhất là trong đợt dịch bùng phát từ tháng 4/2021 trở lại đây.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân, công cuộc chống dịch đạt một số kết quả tích cực. Nhiều giải pháp sáng tạo, quyết liệt đã được triển khai. Nhờ đó, kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các dự báo cho thấy, thời gian tới, DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi cần quyết tâm nhiều hơn nữa. Đây là thời điểm “lửa thử vàng gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để chúng ta có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần chung của Hội nghị là tìm ra được những giải pháp cấp bách cũng như giải pháp lâu dài để DN phát triển bền vững với 8 từ khóa: “Đánh giá, giải pháp, thiết thực và hiệu quả”.
Thông tin về tình hình “sức khỏe” của DN gửi Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu như tình hình đăng ký DN 6 tháng đầu năm 2021 còn có nhiều điểm sáng thì trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, số liệu về DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của DN.
Số DN thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 DN, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 (8,1%). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 là 2.432.121 tỷ đồng (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1.065.413 tỷ đồng (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng với 79.673 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có quy mô vừa và lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Các DN tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 DN, chiếm 37,7%); xây dựng (5.491 DN, chiếm 13,6%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 DN, chiếm 11,7%). Tính riêng TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2021 có 23.199 DN rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số DN rút lui khỏi thị trường của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
“Đây là kỷ lục về số lượng DN phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP.HCM giai đoạn 2016-2021”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Cũng trong 7 tháng qua, số DN chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 DN, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020, số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384 DN, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11.300 DN rút lui khỏi thị trường. Các số liệu trên cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 7/2021, tổng số tiền thuế bị nợ do ngành này quản lý ước trên 116,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020 và tăng 0,8% so với thời điểm cuối tháng liền trước.