CEO Tim Cook của Apple - Ảnh: Getty Images. |
CEO của Apple, Tim Cook, mới đây được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng cố vấn của trường kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Động thái này diễn ra vào thời điểm nhà sản xuất iPhone đang phải đối mặt nhiều thách thức tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo tờ South China Morning Post.
Theo Đại học Thanh Hoa, Cook được bầu vào vị trí này cho nhiệm kỳ 3 năm thay cho Jim Breyer, người sáng lập, CEO của Breyer Capital. Ông đã có mặt tại cuộc họp hội đồng quản trị của trường và có bài phát biểu khi chính thức được bổ nhiệm hôm 18/10.
"Trong bài phát biểu của mình, Tân chủ tịch của Hội đồng Cố vấn, CEO Tim Cook của Apple, cho biết trong 3 năm tới sẽ cùng với tất cả các thành viên hội đồng thúc đẩy sự phát triển của trường nhằm xây dựng một trường kinh tế và quản trị đẳng cấp thế giới", trường Đại học Thanh Hoa cho biết trong một thông cáo.
Tim Cook không phải là CEO của Thung lũng Silicon duy nhất tham gia vào hội đồng cố vấn của trường này. Danh sách hội đồng cố vấn của trường còn có Mark Zuckerberg, CEO của Faebook; Elon Musk, CEO Tesla; Satya Nadella, CEO Microsoft; Jamie Dimon, CEO JPMorgan. Ngoài ra, hội đồng này còn có Jack Ma, người đồng sáng lập, cựu chủ tịch của Alibaba. Trong cuộc họp hội đồng quản trị của trường vào tuần trước, 35 thành viên của hội đồng cố vấn đều có mặt, ngoại trừ Zuckerberg.
Theo tờ South China Morning Post, việc đảm nhiệm vị trí trong hội đồng cố vấn của Đại học Thanh Hoa giúp các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây này tiếp cận với những doanh nhân và chính khách quyền lực tại Trung Quốc.
Cook đảm nhiệm vị trí này vào đúng thời điểm nhạy cảm đối với Apple. Đầu tháng này, CEO Apple hứng chịu nhiều chỉ trích khi quyết định gỡ khỏi Apple Store một ứng dụng cho phép những người biểu tình tại Hồng Kông theo dõi được hoạt động của cảnh sát. Các nhà phát triển ứng dụng này đã chỉ trích rằng đây là một quyết định có yếu tố chính trị.
Tuy nhiên, Cook cho rằng ứng dụng này tiếp tay cho người biểu tình vi phạm luật pháp. Ông cũng cho biết đã nhận được nhiều thông tin từ Cơ quan Tội phạm Công nghệ và An ninh mạng Hồng Kông, cũng như nhiều người dân sống tại Hồng Kông, nói rằng ứng dụng này đang được dùng cho "mục đích bạo lực nhắm vào các sĩ quan cảnh sát" và "gây hại cho cư dân và tài sản của họ ở những nơi không có cảnh sát".
Hiện tại, thị phần của Apple ở Trung Quốc đang sụt giảm do làn sóng yêu nước kêu gọi người tiêu dùng nước này chuyển sang dùng sản phẩm của nhà sản xuất nội địa Huawei - công ty bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Apple hiện được cho là đang cân nhắc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc – nơi sản xuất chính của các sản phẩm quan trọng nhất của công ty. Thuế quan do thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn tới các sản phẩm chủ chốt của Apple iPhone, AirPods và Apple Watch. Theo một số nguồn tin, hãng công nghệ Mỹ đã bắt đầu sản xuất dòng iPhone XR tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu tại thị trường này. Công ty này cũng đang chuyển một phần dây chuyển sản xuất phần cứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiện tại, Trung Quốc mang lại doanh thu lớn cho Apple. Theo kết quả kinh doanh quý 3/2019, Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của Apple – tương đương 9,1 tỷ USD.