Căn hộ - văn phòng: “Đứa con lai” chưa được công nhận

(BĐT) - Thị trường căn hộ - văn phòng (office-tel) đang có nhu cầu rất lớn nhưng lại bị tắc về mặt pháp lý, nhiều ý kiến được đưa ra mổ xẻ khi bàn về vấn đề này.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nên hoàn thiện khung pháp lý cho office-tel

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân khúc sản phẩm office-tel đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của thị trường và trở thành một xu hướng đầu tư mới. Khảo sát sơ bộ tại thị trường TP.HCM, đã có khoảng 40 – 50 dự án phát triển theo mô hình này với sự tham gia của hàng loạt các nhà đầu tư lớn như: Vingroup, NovaLand, Sacomreal, Hưng Thịnh, Bitexco…

Tuy dòng sản phẩm office-tel rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty mới khởi nghiệp; các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện; các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam... Nhưng, do loại hình bất động sản này chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, chứ không phải nhà ở và không được đăng ký hộ khẩu thường trú nên từ đây những vẫn đề liên quan đến pháp lý đã gây nhiều lo lắng, băn khoăn cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để hoàn thiện khung pháp lý dành cho loại hình này, cần có sự kết hợp, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…Do đây là một sản phẩm của xã hội, là giải pháp tốt cho thị trường bất động sản, vì thế xã hội nên ủng hộbằng cách nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, không thể để lãng phí nguồn lực cả bên cung và bên cầu loại hình này.

Tại Việt Nam, mô hình office-tel hiện đang xuất hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với phần lớn các dự án office-tel ở khu vực ngoài trung tâm. Tại TP. HCM dự báo đến cuối năm 2017 đạt gần 8.000 căn. Hà Nội cũng đã xuất hiện một số dự án office-tel đầu tiên với tổng nguồn cung hiện tại hơn 1.000 căn.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, office-tel là một bước tiến trong sự nhận thức, một xu thế chung của thời đại mà các doanh nghiệp đang nắm bắt. Xu hướng đầu tư vào phân khúc này rất đúng và trúng, bằng chứng là các sản phẩm có tính thanh khoản tốt trên thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hoàn chỉnh thể chế để phân khúc này phát triển bình đẳng như các phân khúc khác.

Gỡ vướng bằng cách nào?

Việc office-tel bị vướng về vấn đề pháp lý thì không còn bàn cãi, tuy nhiên việc gỡ vướng như thế nào mới là một vấn đề đang được đặt ra. Bởi hiện nay, office-tel chưa được xếp vào loại hình văn phòng cho thuê, chưa được công nhận là căn hộ chung cư và nếu theo Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thì các tổ chức, cá nhân không được sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, office-tel là một “đứa con lai”. Không chỉ lai nhà ở xã hội về phần diện tích vì có quy mô sản phẩm nhỏ, mà còn lai về nhà ở thương mại ở giá bán, tức giá khá cao. Cái lai thứ hai của mô hình này là vừa ở vừa làm văn phòng. Vì vậy, về mặt cá nhân, ông Đực không tán thành mô hình office-tel bởi nó có thể là thủ phạm gây nên tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố. Nhưng, đứng ở gốc độ của một chủ đầu tư, ông lại cỗ vũ cho mô hình này vì sản phẩm bán rất chạy, thu lợi nhuận cao.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc để office-tel được “danh chính ngôn thuận” là rất cần thiết, tránh được nhiều phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tạo dựng. Đôi khi trong một tòa nhà 20 tầng chẳng hạn, 15 tầng trên thì cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài vì là căn hộ, còn 5 tầng phía dưới thì cấp giấy chứng nhận sở hữu là 50 năm. Vậy, khi hết thời hạn 50 năm, việc xử lý khối đế và 5 tầng dưới office của tòa nhà này như thế nào, không lẽ lại đập bỏ?

Dù là một câu hỏi chưa có lời đáp, nhưng các chủ đầu tư họ thừa hiểu thực tế sẽ không thể như vậy. Ông Lê Đình Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Căn Nhà Mơ Ước cho hay, ở dự án D-Vela tại quận 7 có 168 căn hộ, 9 căn shop-house và 82 căn office-tel với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. “Hiện nay, một số khách hàng băn khoăn về sỡ hữu lâu dài, giống như có tầm “bìa hồng” hay “sổ đỏ”. Chúng tôi giải thích rõ với khách hàng là Luật chỉ cho phép sở hữu 50 năm, còn vấn đề Luật có thay đổi hay không, khách hàng có được cấp “sổ đỏ” như căn hộ chung cư hay không, chủ đầu tư không thể hứa”, ông Trung nói.

Một điều dường như hiển nhiên là thực tiễn bao giờ cũng đi nhanh hơn chính sách. Cho nên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã đến lúc nhà nước cần ban hành những quyết định công nhận những chung cư được thiết kế theo mô hình office-tel để cho phép được tồn tại. Vấn đề hiện nay chính là cách vận dụng pháp luật mà thôi. Office-tel cũng là một cách làm để cho Thành phố thêm sinh động. Rõ ràng, sản phẩm này đang được chấp nhận ở cấp chính quyền tỉnh, thành phố. Nếu chúng ta không gải quyết ngay bây giờ thì sẽ xảy ra tranh chấp về sau.

Ông Nguyễn Trần Nam cho hay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng sự ra đời và phát triển của loại hình căn hộ - văn phòng là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế và là sự cổ vũ cho chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ. Do đó, tới đây Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có những văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét lại vấn đề này, nhằm có hướng tháo gỡ kịp thời, giúptạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý và thúc đẩy loại hình office-tel.

Chuyên đề