Cách một doanh nhân Nga trở thành người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Andrey Stankevich có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Việt và rất am hiểu phong tục, văn hóa Việt Nam. Anh có thể chế biến nhiều món ăn đặc trưng của ngày Tết cổ truyền.
Andrey Stankevich là đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tại Việt Nam
Andrey Stankevich là đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tại Việt Nam

Nếu ai được nếm thử nem rán, thịt gà nấu đông, măng vầu hầm... tại phòng ăn ấm cúng của Andrey Stankevich tại Việt Nam, chắc sẽ nghĩ được chế biến bởi một đầu bếp chuyên về ẩm thực Hà Nội nào đó, chứ không phải do một người nước ngoài thực hiện, nhất là khi đó là đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tại Việt Nam.

Những hương vị yêu thương

Andrey Stankevich thường ghé qua chợ cóc nhỏ sau văn phòng làm việc của anh hoặc ghé chợ Xuân Đỉnh gần nhà để chọn mua vài nguyên liệu nấu bữa tối. Có thể anh sẽ chọn mấy củ cà rốt, khoai tây, cây bắp cải hay mớ rau muống, thậm chí vài chú cá rô đồng, chút dưa cải muối chua... Đó là những thực phẩm chủ yếu để chế biến ra những món ăn thông thường trong bữa tối của Andrey Stankevich.

Trên bàn ăn của Andrey Stankevich luôn có sự pha trộn hài hòa giữa màu sắc và mùi vị của món ăn xứ sở nhiệt đới Việt Nam nơi anh gắn bó, làm việc và quê hương tuyết lạnh Leningrad (nay là Saint Petersburg), nơi có con sông Neva của anh.

Món Nga được anh chế biến có cá khô Atvobla Astrakhan, thứ cá sống ở thượng nguồn sông Volga. Cá có thịt mầu hồng và dai được cho chảo dầu rán, thường được thưởng thức cùng với bia; hoặc súp rau xanh Zelenye, súp Ukha nấu từ rau thơm và bắp cải, cà rốt... Các nguyên liệu chủ đạo chế biến món Nga được Andrey Stankevich mua ở cửa hàng chuyên bán thực phẩm Nga tại Hà Nội. Đi kèm cùng món Nga, Andrey Stankevich làm thêm những món Việt Nam anh yêu thích: cá rô đồng rán thật giòn chấm với nước mắm ớt, gừng và lá thìa là; rau muống luộc mềm chấm với nước tương, cải xanh xào thịt heo, đậu rán tẩm mỡ hành, trứng gà rán với thịt lợn băm nhỏ, thậm chí có lúc anh còn cầu kỳ chế biến món bún riêu ăn với hoa chuối thái nhỏ, rau thơm...

Là đại diện Tập đoàn ROSATOM tại Việt Nam, cũng là nhà thầu cung cấp thiết bị điện nguyên tử, năng lượng…, Andrey Stankevich phải dành phần lớn thời gian trong ngày để giải quyết việc đàm phán, thương thảo hợp đồng, tham gia các buổi họp về chiến lược kinh doanh... Tuy nhiên, anh luôn tận dụng thời gian rảnh vào buổi tối để nấu ăn cùng người thân, nhất là dịp vợ con anh sang Việt Nam. Anh cũng hay mời những người bạn Việt Nam thân thiết đến nhà ăn cơm.

Bên cạnh đó, Andrey Stankevich luôn tận dụng cơ hội trong mỗi lần đi công tác, du lịch ở các vùng, miền để tìm hiểu kỹ hơn về ẩm thực Việt Nam. Vốn là một nhà quản lý có trí nhớ tốt và sự phân tích nhạy bén, đặc biệt từng có thời gian học phổ thông tại Việt Nam từ năm 1969 - 1975 tại Trường cấp 3 Lý Thường Kiệt B - Hà Nội, nên Andrey Stankevich không lạ gì các món ăn Việt. Anh hiểu và thậm chí có thể thuyết minh về tính “minh triết” trong văn hóa ẩm thực Việt. Anh khâm phục triết lý đó với sự quân bình âm dương trong phối hợp các gia vị, nguyên liệu và nghệ thuật chế biến, cũng như cách thưởng thức các món ăn của người Việt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Không gian sum họp diệu kỳ

Khác ngày thường, vào dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam, Andrey Stankevich khá cầu kỳ và chú trọng vào mâm cơm chiều ba mươi Tết và sáng mùng một năm mới. Đây là dịp rất đặc biệt vì anh được thể hiện rõ nét tình cảm của mình với ẩm thực Việt. Những bữa cơm ấm cúng cũng tạo cơ hội cho anh gắn kết với người thân và bạn bè.

Andrey Stankevich thi thoảng đón vợ con sang Việt Nam vào dịp Tết và anh sẽ dẫn vợ khảo sát khu chợ lớn của Hà Nội vào buổi chiều cuối năm. Hai vợ chồng anh cẩn thận tìm chọn các nguyên liệu cần thiết để chế biến những món ăn cổ truyền Việt Nam, đồng thời không quên ngắm nghía một cành đào. Vì cùng thích sắc đỏ kiêu sa nên vợ chồng anh thường chọn cho được một cành đào thế có thân xù xì từ làng đào Nhật Tân và mua về cắm trong chiếc chum sành được sản xuất tại làng nghề Thổ Hà - đó là chiếc “bình” cắm hoa mà anh rất thích và cũng chính là món quà quý mà anh nhận được từ một người bạn thân Việt Nam.

Trong bếp của Andrey Stankevich có chiếc kệ bằng gỗ sồi chính thống xuất xứ từ Nga được treo trên tường. Kệ đựng rất nhiều thứ gia vị đặc trưng của Nga, Việt Nam và cả một cô búp bê Matryoshka bằng gỗ bạch dương. Bên cạnh đó còn có chiếc tủ đựng bát đĩa, ấm chén được sản xuất tại làng nghề Bát Tràng. Tất cả mọi thứ không chỉ giúp Andrey Stankevich và vợ chế biến được những món ăn chuẩn hương vị Việt Nam, mà còn giúp anh nhớ về quê hương, về món ăn của xứ sở Bạch Dương.

Vợ và con Andrey Stankevich rất thích món măng khô hầm, bởi vị ngậy mềm của thịt chân giò lợn và vị dai đặc trưng của sợi măng. Andrey Stankevich biết chọn thứ măng vầu có mầu vàng nhạt, dầy và có đốt ngắn, ngâm trong nước gạo vài ngày để loại chất bẩn và cho vào hầm nhừ cùng chân giò lợn. Andrey Stankevich chế biến nộm đu đủ với cách thái sợi mảnh rất khéo và trộn đều đúng công thức nước mắm, đường, giấm. Món gà nấu đông với nấm hương, hạt tiêu ninh nhừ trên bếp ga rồi bảo quản trong tủ lạnh được anh bày rất khéo ra chiếc đĩa Bát Tràng men xanh. Anh rán đủ giòn vài chiếc nem nhân giá, mộc nhĩ, thịt lợn; canh bóng bì, súp lơ, tôm nõn cũng được anh thêm vài cọng rau thơm và chan đủ vào một bát sứ. Anh còn cẩn thận hướng dẫn vợ nấu món xôi gấc có vị giống bánh rán Draniki mà anh thích…

Một mâm cơm theo Andrey Stankevich đánh giá là đủ sắc màu, hương vị ngày Tết Việt được anh và vợ cầu kỳ chế biến là sự chào đón những thời khắc quan trọng trong một năm mới… Andrey Stankevich đã trở thành một người Việt đích thực, bởi thời gian gắn bó với Việt Nam giúp anh cảm nhận sâu sắc truyền thống văn hóa, những tình cảm chân thành người Việt dành cho anh và nhiều doanh nhân nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam. Anh yêu Việt Nam từ những điều giản dị, từ chính các món ăn Việt Nam.

Andrey Stankevich tâm sự, mùa Xuân và Tết Việt Nam thật tuyệt vời, từ không khí đặc trưng đến sự hân hoan, vui vẻ, nồng ấm của tất cả mọi người. Anh gọi những món ăn trong ngày Tết cổ truyền là “đặc sản trong một không gian sum họp diệu kỳ” của mỗi mái ấm gia đình người Việt và anh thấy mình may mắn vì được trải nghiệm không gian đó, được tự tay chế biến những món ăn và thưởng thức một mâm cơm đủ đầy hương vị ẩm thực Việt Nam.

Chuyên đề