Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm vốn đầu tư công

(BĐT) - Trong phiên thảo luận ngày 31/10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng một lần nữa làm rõ những nguyên nhân dẫn đến giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công năm nay còn chậm.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: Quốc Hội
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: Quốc Hội

Giao vốn TPCP chậm có nguyên nhân “chờ đợi lẫn nhau”

Theo Bộ trưởng, mặc dù, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước không bao gồm trái phiếu chính phủ (TPCP) năm nay đã được giao ngay từ đầu năm và đạt ngay 93% trước 31/12/2016 nhưng tốc độ giải ngân thấp, hết 9 tháng 2017 mới đạt 54%.

Việc giao chậm chủ yếu đối với vốn trái phiếu Chính phủ, còn vốn ngân sách nhà nước thì giao đúng và kịp thời.

Nguyên nhân chậm giao vốn TPCP, theo Bộ trưởng là do đặc thù của nguồn vốn TPCP chỉ được phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục sử dụng vốn TPCP được Quốc hội thông qua, không được điều hòa sang các nguồn khác. Trong khi đó năm 2017, phải làm 2 việc song song là vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hàng năm nên đã gặp lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án, mất nhiều thời gian khi hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới.

Bộ trưởng cho biết, về khách quan do phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn của Luật Đầu tư công trong bối cảnh chưa quen với các quy định mới nên còn nhiều bất cập cũng như lúng túng. Tư lệnh ngành KH&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, về chủ quan thì bên cạnh việc chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết của các cơ quan liên quan, còn có trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp là còn nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết.

Công tác dự kiến kế hoạch nguồn vốn TPCP đầu năm còn nhiều hạn chế, dự kiến chưa sát với thực tế. Việc chuẩn bị các dự án đủ điều kiện để phân bổ giao vốn không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương nên xảy ra tình trạng chờ đợi lẫn nhau để tổng hợp và phải giao thành nhiều đợt để đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành địa phương.

Giải ngân thấp không phải chỉ vì giao vốn chậm

Về nguyên nhân giải ngân thấp, Bộ trưởng KH&ĐT lý giải, việc giao vốn chậm là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu, vì cơ bản chỉ chậm đối với các dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn TPCP do chưa đủ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Nhiều nguyên nhân tác động đến tiến độ giải ngân được Bộ trưởng chỉ ra. Đó là báo cáo tác động môi trường mất nhiều thời gian và một số vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời. Sau khi được giao kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương triển còn mất rất nhiều thời gian triển khai các thủ tục: hoàn thiện thẩm định, phê duyệt, thiết kế kỹ thuật của dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng, thủ tục hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán khối lượng thẩm định ở kho bạc. Tâm lý chung của chủ đầu tư và nhà thầu đợi đến khi có đủ khối lượng thực hiện hoặc đến cuối năm thì mới thanh toán tại kho bạc. Cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai dự án và quyết toán.

Về khách quan, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng thời tiết như mưa, bão, lũ.

Nhìn nhận rõ tình trạng và hệ lụy của giải ngân chậm vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân và kế hoạch đầu tư công của năm 2017, phát hiện và kịp thời xử lý vướng mắc, chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện.

“Riêng về kế hoạch năm 2018, chúng tôi đang tổng hợp báo cáo Chính phủ và phấn đấu sẽ giao một lần hết kế hoạch ngân sách nhà nước và trước 31/12/2017”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. 

Chuyên đề