Nhiều công dân muốn tố cáo hành vi tham nhũng nhưng còn ngần ngại vì sợ bị trù dập. Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2016. Sau đó, Dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (khoảng tháng 10/2016).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; sửa đổi, bổ sung những quy định mà qua thực tiễn công tác PCTN cho thấy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.
Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) gồm 10 Chương với 118 Điều; bổ sung đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”; cơ bản giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng như quy định hiện hành, tuy nhiên có rà soát và điều chỉnh một số hành vi cho phù hợp.
Tại Hội thảo, các ý kiến cơ bản đồng tình các quy định mới tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), đồng thời đề xuất về phạm vi áp dụng, việc xử lý tài sản kê khai không minh bạch, vai trò của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong PCTN, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan khi xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ quản lý.
Liên quan đến các vấn đề nêu trên, ông Trần Thanh Hải thuộc Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, có thực trạng nhiều công dân, công chức muốn tố cáo hành vi tham nhũng nhưng còn ngần ngại vì sợ bị trả thù, trù dập. “Dự thảo Luật cần bổ sung quy định hoặc làm rõ hơn về quy định cơ quan chức năng phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng, vì hiện nay có nhiều nội dung đơn tố cáo tham nhũng có cơ sở nhưng công dân không dám ký tên”, ông Hải đề nghị.