Bị Bộ NN&PTNT “cấm cửa”, nhiều nhà thầu phản biện

(BĐT) - Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố Danh sách 17 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2016, nhiều nhà thầu có tên trong Danh sách bị bất ngờ và lên tiếng giải thích.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

“Trảm” hàng loạt nhà thầu

Xét đề nghị của các chủ đầu tư, chủ dự án và các đơn vị đầu mối thẩm định dự án về đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN&PTNT quản lý, Bộ đã công bố danh sách 17 nhà thầu không đáp ứng năng lực trong kỳ đánh giá 6 tháng cuối năm 2016.

Theo danh sách công bố, 17 nhà thầu nằm trong danh sách này gồm 14 nhà thầu thi công xây dựng; 3 nhà thầu tư vấn. Hầu hết các nhà thầu này đều bị các chủ đầu tư/chủ dự án/cơ quan quản lý nhà nước đánh giá không đáp ứng yêu cầu về nhân lực, thiết bị, tiến độ, phương án thiết kế và có sai khác nhiều so với thực tế nên phải điều chỉnh hợp đồng nhiều lần. Do đó, hình thức xử lý được đưa ra với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu này là không được tham dự gói thầu mới cho đến khi khắc phục xong các vi phạm hợp đồng ở các gói thầu dở dang, được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành và có thông báo của Bộ; không được tham dự thầu các gói thầu mới cho đến khi chủ đầu tư báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện gói thầu cũ và có thông báo của Bộ.

Đơn cử, nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Ngọc Việt (gọi tắt là Nhà thầu Ngọc Việt), có địa chỉ tại huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về nhân lực và tiến độ thi công tại 2 gói thầu có giá trị hơn 50 tỷ đồng.

Nhà thầu là Công ty CP Sông Đà 25 bị chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Thanh Hóa đánh giá không đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công Lô 02, Gói thầu số B.2.1 - Thi công kênh và công trình trên kênh từ K4+700- K10+00, thuộc Dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã, tỉnh Thanh Hóa.

Tương tự, nhiều nhà thầu khác như: Công ty CP Xây lắp thủy sản II, Công ty CP Đầu tư và Vật tư thiết bị 79, Công ty TNHH Xây dựng Triều Phát… cũng bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu và có kiến nghị xử lý cụ thể. 

Nhà thầu nói gì?

Ngay sau khi biết được thông tin DN mình có tên trong danh sách “đen”, ông Hoàng Hải Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 25 tỏ rõ sự ngỡ ngàng và thừa nhận “đúng là gói thầu chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thi công”. Tuy nhiên, ông Việt cho biết, việc nhà thầu không đáp ứng được tiến độ thực hiện hợp đồng ký kết (6/2014-7/2016) có nhiều lý do, trong đó chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Về nguyên nhân này thì Chủ đầu tư – Sở NN&PTNT Thanh Hóa và nhà thầu cũng đã thống nhất, theo đó chủ đầu tư đã đồng ý gia hạn hợp đồng thực hiện Gói thầu.

Đề cập về việc nhà thầu bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu và lọt vào danh sách “đen” của Bộ NN&PTNN, ông Việt nêu quan điểm: “Việc chủ đầu tư đưa ra quyết định như trên cũng phải cân nhắc hài hòa giữa các lý do, bởi việc này có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN”.

Thông tin về tiến độ thi công Lô 02, Gói thầu số B.2.1 - Thi công kênh và công trình trên kênh từ K4+700 - K10+00, ông Việt cho hay, hiện tiến độ Gói thầu vẫn đảm bảo theo quy định của hợp đồng ký kết. Theo hợp đồng gia hạn, dự kiến đến tháng 8/2017 nhà thầu sẽ hoàn thành công trình và bàn giao công trình cho chủ đầu tư.

Cùng cảnh không nắm được thông tin, ông Lê Nho Thịnh, Giám đốc Công ty Tư vấn 11 – Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam cho biết: “Là lãnh đạo Công ty, tôi chưa nắm được thông tin DN bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu”. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Công ty CP Tư vấn 11 – Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam bị đánh giá là nhà thầu không đáp ứng yêu cầu do phương án thiết kế chưa phù hợp, sai khác nhiều so với thực tế nên phải điều chỉnh hợp đồng nhiều lần tại Tiểu dự án Đầu tư xây dựng Trạm bơm Nhất Trai, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Về lý do đánh giá của chủ đầu tư là Tổng cục Thủy lợi, ông Thịnh cho biết: “Chúng tôi chắc chắn có giải trình để làm rõ đánh giá này”. “Việc đánh giá như vậy là hơi nặng vì có câu chuyện liên quan đến một phần việc rất nhỏ của Gói thầu dẫn tới phải điều chỉnh khối lượng. Việc điều chỉnh này là khách quan, bởi thông thường một dự án thủy lợi kéo nhiều năm, hầu như dự án nào cũng có điều chỉnh” - ông Thịnh giải thích thêm.

Còn việc Công ty CP Xây lắp Thủy sản II bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu tại Gói thầu số 26: “Cầu dẫn nối khu A” thuộc Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá sông Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hoàng Văn Hải, Trưởng phòng Dự án thuộc Công ty CP Xây lắp thủy sản II cũng tỏ rõ sự không hài lòng. Ông Hải nói: “Đánh giá năng lực nhà thầu đưa ra tại thời điểm này là không chính xác, bởi thực tế đến nay Gói thầu số 26 đã thi công xong và bàn giao cho chủ đầu tư. Lỗi chậm tiến độ Gói thầu là do nhiều bên chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của Công ty CP Xây lắp thủy sản II”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đánh giá năng lực nhà thầu là việc làm rất cần thiết để nhắc nhở nhà thầu có trách nhiệm hơn đối với công việc của mình, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính bản thân nhà thầu, làm lợi cho DN và cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực nhà thầu cũng cần hết sức cẩn trọng, bởi nếu không chính xác sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà thầu.

Chuyên đề