Dọc tuyến đường Hùng Vương - một tuyến đường trung tâm của huyện này - ô tô nối tiếp nhau thành dãy dài trước các văn phòng công chứng. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Những ngày này, ghé vào bất kỳ phòng công chứng nào ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể thấy số lượng khách đến công chứng chuyển nhượng nhà đất đông nghẹt. Dọc tuyến đường Hùng Vương - một tuyến đường trung tâm của huyện này - ô tô nối tiếp nhau thành dãy dài, trong đó chủ yếu là biển số xe đến từ TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Miếng đất này ngang 27 m, dài 38 m, đất trồng cây lâu năm, chủ đất gửi giá 145 triệu đồng/m ngang, không bớt. Nếu mua thì cọc sớm và công chứng trước Tết, còn ra Tết sẽ không bán giá đó nữa”, một người môi giới chỉ cho chúng tôi lô đất nằm trên tục đường nhựa phía trong, không phải trục chính, ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.
Cơn sốt đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu những tháng gần đây là có thật và chưa có dấu hiệu chững lại, mặc dù việc phân lô tách thửa ở tỉnh này đang tạm ngưng. Tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức, số hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày rất lớn. Nhiều hồ sơ nhận vào thời điểm này, nhưng khả năng ra Tết mới trả kết quả vì không xử lý kịp.
Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc liệu có xảy ra một cơn sốt đất ảo hay không, một cán bộ ở văn phòng này cho biết, đất ở huyện Châu Đức giờ xã nào cũng tăng và giao dịch mạnh như nhau nên không thể gọi là sốt ảo được. Không chỉ ở huyện này, mà dường như các huyện khác trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vậy.
Bà Hòa, một môi giới chuyên hoạt động ở thị trấn Long Hải dẫn phóng viên đi xem một khu đất trồng cây lâu năm ở xã Suối Rao, nằm ở phía Đông Nam huyện Châu Đức cho biết, đất ở Long Hải giờ không còn nhiều nên phải lấn sang thị trường khác. Theo bà Hòa, lô đất mà bà đang giới thiệu có giá 1,5 tỷ đồng/sào (tương đương 1.000 m2) là còn tương đối mềm, có thể mua để “lướt sóng” và đầu tư đều được.
Số lượng khách đến công chứng chuyển nhượng nhà đất luôn tấp nập. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Trên các tuyến đường huyết mạch đi lại giữa các xã, huyện trong Tỉnh, cạnh hai bên đường, trên các thân cây, là những bảng "bán đất theo lô, theo sào, theo mẫu" treo san sát. Có nhiều môi giới còn trẻ, ăn mặc lịch sự, dựng bảng “tại đây bán đất” ngay bên vệ đường để đón khách từ các nơi đổ về.
Một vị luật sư có nhiều kinh nghiệm đầu tư đất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, việc ngưng phân lô tách thửa ở tỉnh này cũng là một động thái nhằm làm giảm bớt sức nóng của thị trường bất động sản thời gian qua, nhưng giao dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Do chưa xác định được thời điểm nào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cho phép phân lô tách thửa trở lại nên tới đây sẽ có những tranh chấp, tuy không nhiều, xoay quay những cam kết liên quan nói trên. Thời gian qua, nhưng ai bán đất mà cam kết phân lô tách thửa cho khách hàng sẽ “ăn trái đắng” từ việc tạm ngưng này.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh từ tháng 10 năm ngoái. Mức tăng nhiều nơi lên đến vài chục phần trăm và thực tế cho thấy, những người nhanh tay, mua đất từ năm ngoái và các năm trước đến nay bán lại đã thắng lớn.
Nhiều người thạo tin và rành rọt về trị trường bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu dự báo, trong tháng Giêng tới, tình hình giao dịch sẽ chưa sôi động; nhưng bước qua tháng 2 và tháng 3 Âm lịch, giao dịch sẽ tăng tốc và thiết lập mắt bằng giá mới, nhất là những lô đất có diện tích lớn.
Nhà đầu tư thành phố đổ về gom đất có diện tích lớn không phải là chuyện ngẫu nhiên. Bởi với khoảng cách đi lại từ Sài Gòn về Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khoảng 80 km, hạ tầng ngày một được đầu tư đồng bộ, gần sân bay quốc tế Long Thành, thì ai giữ được nhiều diện tích đất trong tương lai sẽ lãi lớn.