Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải phòng Khu vực III, trong container bị bắt giữ có hàng nghìn phụ kiện điện thoại như sạc pin dự phòng, tai nghe, cáp nối… của điện thoại di động.
Container chứa hàng hóa vi phạm bị cơ quan Hải quan bắt giữ
Dù hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có C/O Trung Quốc nhưng khám xét container, lực lượng Hải quan phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty CP thương mại “TITAN” Việt Nam - một doanh nghiệp trong nước.
Đáng chú ý, trên nhiều sản phẩm linh kiện điện thoại nhập từ Trung Quốc có ghi sẵn dòng chữ “Made in Việt Nam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893).
Theo cơ quan hải quan, container linh kiện điện thoại có trị giá cả tỷ đồng. Khi làm thủ tục, doanh nghiệp xuất trình C/O Form E của Trung Quốc chính vì thế mặc định lô hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Trong các sản phẩm thể hiện xuất xứ Việt Nam nên trường hợp nếu doanh nghiệp qua mặt được cơ quan chức năng, bán hết số lô hàng nói trên sẽ được hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) 10%/giá trị lô hàng.
Trường hợp, nếu cơ quan Hải quan không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chỉ riêng lô hàng này, doanh nghiệp trục lợi có thể sẽ chiếm dụng khống hàng trăm triệu đồng tiền thuế VAT của Nhà nước.
Qua các dấu hiệu nghi vấn, Chi cục hải quan Khu vực III, Hải quan Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra thực tế và phát hiện số lượng lớn hàng hóa vi phạm và tạm giữ để xác minh làm rõ.
Đơn vị nhập khẩu khai báo tờ khai C/O hàng sản xuất, xuất xứ Trung Quốc nhưng các thiết bị đều ghi "Made in Vietnam", ghi đầy đủ tên, nhãn mác hàng Việt
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác 6 tháng năm 2019 của ngành hải quan, ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết doanh nghiệp Việt, thương nhân Việt và Trung Quốc thời gian qua đã móc nối với nhau làm giả từ bút bi, băng keo "Made in Viet Nam" tuồn vào Việt Nam.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ khai khống thu mua gỗ nguyên liệu trong nước chế biến sâu, xuất khẩu để được hưởng thuế VAT. Tuy nhiên, qua điều tra thực tế, phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ thành phẩm, bán thành phẩm từ Trung Quốc, các địa phương, cơ quan chức năng cũng khẳng định nhiều doanh nghiệp không ký hợp đồng mua gỗ trong nước.
Thực trạng doanh nghiệp mua đồ gỗ bán thành phẩm, gỗ thành phẩm trong nước song khai khống hóa đơn mua hàng trong nước để hưởng hoàn thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp trục lợi hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước.
Theo ông Hùng, cơ quan chống buôn lậu, cùng lực lượng chức năng đã phát hiện các doanh nghiệp trục lợi, khai khống hóa đơn hoàn thuế VAT có trị giá từ 12 đến 34 tỷ đồng và kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật.