TP.HCM chính thức triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà.
Triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà ở TP.HCM |
Theo Sở Y tế, được sự chấp thuận của ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế thành phố triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1.
Cụ thể, Sở Y tế hướng dẫn đối tượng thứ nhất được cho xem xét cách ly tại nhà là trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1. Bệnh nhân tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
Về công tác tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0, ngành y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp này. Cạnh đó, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.
Nhật Bản viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam
Lô vaccine này được chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rạng sáng 16/7.
Tính đến ngày 13/7, chính phủ các nước đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 3,4 triệu liều vaccine Covid-19 |
Bộ Y tế cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã công bố viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Astrazeneca phòng Covid-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều viện trợ cho Việt Nam lên gần 3 triệu. Lô vaccine này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rạng sáng 16/7.
Trước đó, ngày 16/6, 2/7 và 9/7, gần 2 triệu liều vaccine do Nhật Bản viện trợ đã về Việt Nam, chủ yếu được chuyển cho TP.HCM.
Tính thêm cả 1 triệu liều vaccine Nhật Bản hỗ trợ sắp về Việt Nam, từ tháng 2 đến ngày 13/7, Việt Nam tiếp nhận gần 9 triệu liều, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.
Trong đó, 2,5 triệu liều vaccine Astrazeneca do COVAX Facility hỗ trợ, 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tặng thông qua COVAX, gần 1 triệu liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 3,4 triệu liều vaccine do các nước tặng, hơn 97.000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech.
Bộ Y tế cũng cho biết, tổng cộng Việt Nam đã tiêm hơn 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, hơn 3,8 triệu người được tiêm 1 mũi và hơn 280.000 người tiêm 2 mũi.
Nhà máy đông công nhân nhất TP.HCM dừng hoạt động từ ngày 14/7
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân (TP.HCM), với hơn 56.000 lao động, dừng sản xuất từ ngày 14/7 theo yêu cầu chính quyền địa phương để phòng chống dịch. Pouyuen là doanh nghiệp đến từ Đài Loan, chuyên sản xuất da giày cho các nhãn hàng lớn.
Hơn 56.000 lao động của nhà máy Pouyuen dừng hoạt động từ ngày 14/7 |
Quyết định tạm dừng 10 ngày được đưa ra sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền quận Bình Tân sáng ngày 13/7. Theo đó, quận Bình Tân đề nghị Pouyuen chỉ được sản xuất khi khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm SARS-CoV-2. Công ty không thể đáp ứng những yêu cầu này.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty cho hay, nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại chỗ bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày.
Trước đó, hơn 33.000 công nhân Pouyuen đã tạm nghỉ việc do liên quan Covid-19 và các tỉnh lân cận áp dụng Chỉ thị 16 hạn chế đi lại trên địa bàn. Hiện, Công ty có khoảng 14.000 công nhân sinh sống ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre..., hàng ngày đi làm ở TP.HCM bằng xe đưa rước. Các địa phương này cũng đề nghị nhà máy phải có giải pháp bố trí công nhân ở lại khi dịch bùng phát.
TP.HCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy. Ở đợt dịch thứ 4, một số nhà máy phát hiện nhiều nhiễm nên bị phong tỏa, ngừng sản xuất.
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị truy tố tới 15 năm tù
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị truy tố với cáo buộc vi phạm quy định khi liên kết sử dụng robot Rosa trong phẫu thuật, gây thiệt hại 10,5 tỷ đồng.
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị truy tố tới 15 năm tù |
Trong cáo trạng mới ban hành, VKSND Tối cao truy tố ông Quốc Anh về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015; khung hình phạt từ 10 đến 15 năm.
7 người còn lại bị truy tố cùng tội danh và mức phạt, gồm: Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, cựu Trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Lý Thị Ngọc Thủy, cựu Phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung, cựu Tổng giám đốc Công ty VFS.
VKS cáo buộc, Bệnh viện Bạch Mai đã căn cứ chứng thư thẩm định sai quy trình của VFS để ký hợp đồng liên doanh với BMS. Ông Quốc Anh trong vai trò Giám đốc Bạch Mai ban hành giá dịch vụ của robot Rosa là 36 triệu đồng/ca phẫu thuật, trong đó Công ty BMS hưởng hơn 27 triệu đồng gồm chi phí khấu hao kèm lãi vay.
Mức giá này bị nâng trái phép tới 16,5 triệu đồng/ca. Tổng cộng, bệnh viện đã dùng robot Rosa phẫu thuật 637 ca bệnh. Hành vi của các bị cáo làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh, cáo trạng nêu.
Tuấn khai trong quá trình triển khai hợp đồng đã tặng ông Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD; bị can Hiền 150 triệu đồng; bà Thuận 50 triệu đồng. VKS cho biết, các bị can nhận thức được sai lầm nên đã tự nguyện nộp lại số tiền trên.
Thông hầm cao tốc Bắc Nam qua Tam Điệp
Hầm dài 245 m, quy mô ba làn xe cơ giới qua đèo Tam Điệp thuộc cao tốc Bắc Nam (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45) được đánh mìn thông cửa.
Thông hầm cao tốc Bắc Nam qua Tam Điệp |
Ông Đỗ Mạnh Hà, Chỉ huy Gói thầu xây lắp số 10 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, đến nay cả hai đơn nguyên hầm nối đường cao tốc từ Ninh Bình đi Thanh Hóa đã thông tuyến sau hơn 4 tháng thi công, khoan núi.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, Gói thầu xây lắp số 10 tuyến cao tốc Bắc Nam (Mai Sơn - Quốc lộ 45), chạy qua các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, TP. Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh Bình) và huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa).
Ngoài phần đường, Dự án còn có hầm xuyên núi dài 245 m. Theo thiết kế, hầm gồm hai ống, mỗi ống gồm một hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều, rộng 14,5 m quy mô ba làn xe cơ giới. Tim hai hầm cách nhau 45 m. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp rộng 2 m, dài 30 m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình của Tập đoàn Sơn Hải, cho biết đơn vị nhận thi công hai đầu đường và hầm chui, được khởi công giữa tháng 12/2020, riêng phần hầm đến tháng 2/2021 mới triển khai. Đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ khoan hầm của Áo và giải pháp thi công đào hầm qua núi của Nhật Bản.
Đèo Tam Điệp xưa còn có tên là đèo Ba Dội hay Cửu Chân Quan, thời phong kiến đèo này nằm trên cung đường thiên lý từ kinh thành Thăng Long vào Nam.
Hà Nội xén dải phân cách, mở rộng tuyến đường Văn Cao - Liễu Giai
Hơn một km đường Văn Cao - Liễu Giai sẽ được rào chắn để thi công xén dải phân cách, mở rộng lòng đường trong hai tháng.
Đoạn đường Văn Cao - Liễu Giai đã được rào chắn phục vụ thi công |
Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ 9/7 - 9/10, đơn vị thi công sẽ điều chỉnh kích thước dải phân cách để mở rộng mặt đường Liễu Giai với chiều dài 390 m, chiều rộng trung bình mỗi bên 6 m; đường Văn Cao dài 620 m, rộng trung bình mỗi bên 6 m.
Nhà thầu sẽ rào chắn khu vực thi công bằng hàng rào tôn; phần mặt đường còn lại cho các phương tiện lưu thông mỗi bên đường Liễu Giai - Văn Cao trung bình 9,5 m.
Nhà thầu sẽ thi công vào ban đêm (từ 22h đến 5h) và từng đoạn để đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc.
Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã nhiều lần thực hiện việc xén dải phân cách mở rộng lòng đường kết hợp với chỉnh trang cây xanh trên nhiều tuyến phố như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh...
TP.HCM dừng 311 chốt kiểm soát đi lại giữa các quận huyện
311 chốt kiểm soát đi lại giữa các quận huyện dừng hoạt động để tăng cường hình thức kiểm tra, xử lý lưu động; 12 chốt chính ở các ngõ Thành phố vẫn duy trì.
TP.HCM dừng 311 chốt kiểm soát đi lại giữa các quận huyện |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Khởi, Đội trưởng CSGT quận Gò Vấp cho biết, 12 chốt kiểm soát người ra vào tại Quận đã được tháo gỡ ngày 13/7. Thay vào đó, Quận sẽ lập các đội tuần tra, kết hợp nhiều đơn vị để xử lý trật tự an toàn giao thông và vi phạm phòng dịch.
Tương tự, 11 chốt kiểm soát giữa quận Bình Thạnh với những địa phương liền kề cũng ngưng hoạt động. Quận đang xem xét để điều chỉnh việc giám sát đi lại ở địa phương phù hợp với thực tế, trong đó sẽ lập các đội tuần tra lưu động.
Động thái dừng các chốt liên quận huyện được các đội CSGT ở địa bàn thực hiện theo yêu cầu cấp trên. Hiện, Thành phố chưa đưa ra thông tin về việc dừng hơn 300 chốt kiểm soát sau vài ngày hoạt động.
Các chốt kiểm soát được lập sau khi TP.HCM giãn cách xã hội dài 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Người dân khi qua chốt phải khai báo y tế, trình qua các giấy tờ như thẻ công tác các ngành quân đội, công an, y tế; doanh nghiệp... Riêng ở 12 chốt chính, người đi đường phải cung cấp thêm giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời gian 3 ngày.