Án kéo dài, doanh nghiệp chờ mỏi cổ

(BĐT) - Ba ngành Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án đã có sự phối hợp xác định rõ trách nhiệm để trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan nhằm hạn chế tình trạng vụ án trả đi trả lại nhiều lần. 
Vụ án Thái Lương Trí đã kéo dài 10 năm nay nhưng chưa có được phán quyết có hiệu lực pháp luật
Vụ án Thái Lương Trí đã kéo dài 10 năm nay nhưng chưa có được phán quyết có hiệu lực pháp luật

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ án bị kéo dài, dẫn đến việc giải quyết hậu quả cũng bị chậm trễ bởi phải chờ bản án có hiệu lực. 

Báo cáo gần đây nhất của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho thấy, trong năm 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 1.056 vụ án hình sự trọng điểm. Tòa án Hà Nội thụ lý 30.776 vụ, tăng 7% (tương đương 2.029 vụ) so với năm ngoái. Tòa án hai cấp đã giải quyết 27.755 vụ.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã kiểm sát toàn bộ 15.396 tin tố giác, tin báo phạm tội do cơ quan điều tra thụ lý trong năm. Trong đó, đã khởi tố 6.496 vụ án. Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, thụ lý, kiểm sát điều tra hơn 9.000 vụ án với hơn 14.000 bị can bị khởi tố. Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.002 vụ với gần 10.000 bị cáo.

Công tác xét xử đảm bảo theo thời hạn luật định, số vụ chưa giải quyết vẫn đang trong thời gian giải quyết. Ba cơ quan Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án đã có sự phối hợp thống nhất nhằm hạn chế án trả hồ sơ điều tra giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và nâng cao chất lượng xét xử án hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ án hình sự bị kéo dài hàng chục năm trời dẫn đến việc giải quyết hậu quả vụ án cũng bị chậm trễ bởi phải chờ bản án có hiệu lực.

Chẳng hạn, vụ án Thái Lương Trí đã kéo dài 10 năm nay chưa có được phán quyết có hiệu lực pháp luật. Vụ án này liên quan đến việc hợp tác đầu tư góp vốn để khai thác mỏ đá tại Lào. Theo đó, bị cáo Thái Lương Trí, nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An đã kêu gọi tìm kiếm đối tác trong nước cùng đầu tư vào dự án này. Hai công ty gồm Công ty CP Dịch vụ dạy nghề Thái Dương (ông Đoàn Văn Huấn làm Giám đốc) và Công ty TNHH Thiên Phú (bà Chu Thị Thành làm Giám đốc) đồng ý tham gia dự án này.

Để khai thác mỏ đá tại Lào, Công ty TNHH CP Khoáng sản Lào - Việt đã được thành lập với các cổ đông gồm ông Oong Khăm Sivilay (người Lào, 35%), bị cáo Thái Lương Trí (37%), ông Đoàn Văn Huấn (18%), bà Chu Thị Thành (10%). Để chiếm đoạt cổ phần của hai cổ đông còn lại, bị cáo Thái Lương Trí đã thực hiện một loạt thủ đoạn gian dối, thành lập Công ty liên doanh Khoáng sản Lào Việt thay thế cho Công CP Khoáng sản Lào - Việt, khai thác mỏ đá tại Lào. Tại công ty mới, chỉ có bị cáo Thái Lương Trí là cổ đông bên phía Việt Nam góp vốn 65%, hoàn toàn không ghi nhận tỷ lệ vốn góp của bà Thành, ông Huấn.

Suốt quá trình truy tố, điều tra, xét xử, mỏ đá hoạt động cầm chừng, doanh thu, lợi nhuận cũng không thể kết toán để chuyển về nước. Hai doanh nghiệp tham gia góp vốn là Công ty Thiên Phú và Công ty Dịch vụ dạy nghề Thái Dương chỉ còn cách chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật để các bên biết phần quyền lợi, nghĩa vụ của mình và thực thi.

Thế nhưng nhiều năm nay, vụ án đó vẫn chưa có kết cuối. Gần nhất, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm nhưng HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu. Công ty Thiên Phú và Công ty Thái Dương lại phải chờ đợi quá trình tố tụng, có thể kéo dài hàng năm nữa.

Tương tự, trường hợp vụ án Nguyễn Đình Bang lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đã bị kéo dài rất nhiều năm. Vụ án liên quan đến việc huy động vốn vào Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh. Ông Thái Khắc Toàn (Phó Giám đốc Công ty Huy Phát) đã góp 22 tỷ đồng và 17.000 USD nhưng chờ mãi vẫn không thấy Dự án tiến triển. Cơ quan điều tra xác định, thời điểm ông Toàn chuyển tiền, đề án quy hoạch dự án này đang được rà soát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Trong vụ án, Công ty Trường Sinh là pháp nhân được cấp sổ đỏ hơn 6.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh để xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành. Do thiếu vốn, chủ cũ của Công ty Trường Sinh đã vay mượn và gán nợ hơn 3.000 m2 đất và vốn góp tại Công ty Trường Sinh. Sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh ghi nhận thành viên góp vốn mới, Nguyễn Đình Bang, đại diện theo pháp luật đã cùng với Nguyễn Huy Kháng, Phó Giám đốc Công ty Trường Sinh làm giả giấy tờ để mời chào ông Thái Khắc Toàn góp vốn.

Cũng như vụ án Thái Lương Trí, vụ án này đã kéo dài nhiều năm và lô đất là tài sản của Công ty Trường Sinh cũng “nằm im” chờ phán quyết của tòa án.  

Chuyên đề