Kiên quyết giải thể doanh nghiệp nhà nước yếu kém

(BĐT) - Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là vấn đề lớn, khó và phức tạp. Trong đó, hoạt động giao, bán, giải thể, phá sản DNNN yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn, làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
Khối doanh nghiệp nhà nước sử dụng 70% đất đai và 70% ODA trong khi chỉ đóng góp khoảng 30% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Khối doanh nghiệp nhà nước sử dụng 70% đất đai và 70% ODA trong khi chỉ đóng góp khoảng 30% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp khó giải thể, phá sản

Một báo cáo nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, tình hình giao, bán, giải thể, phá sản DNNN yếu kém để giảm gánh nặng cho nền kinh tế, lành mạnh hóa tình hình tài chính của khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn hạn chế. Đến nay, cả nước đã thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê 364 DNNN quy mô nhỏ, không cổ phần hóa được và Nhà nước không cần nắm giữ; giải thể, phá sản 301 DN yếu kém.

Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN, phá sản 8 DN, bán và giao 10 DN. Từ năm 2016 đến nay, cả nước thực hiện giải thể 10 DN, phá sản 1 DN, bán 1 DN. Trong khi đó, Báo cáo chỉ ra, kết thúc kế hoạch cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2015, có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, gặp nhiều rủi ro dẫn tới không tự chủ được về mặt tài chính. Tình trạng vay nợ và khả năng thanh toán của nhiều DNNN rất đáng lo ngại. Các DNNN sử dụng 70% đất đai và 70% ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% GDP và có xu hướng suy giảm. Khu vực DNNN đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động giao, bán, giải thể, phá sản DNNN gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là vướng mắc trong vấn đề tài chính. Theo ông Trung, những DN thuộc diện này thường luôn khó khăn trong việc xác định công nợ, trách nhiệm trả nợ… Thứ hai là, để giải thể, phá sản DN phải có người quyết định cho DN giải thể, phá sản. Trên thực tế, chủ nợ thì sợ bị mất khoản tiền cho DN vay; người chủ sở hữu thì e ngại, không muốn phải chịu trách nhiệm về việc cho phá sản DNNN. Thứ ba là tập thể người lao động không muốn phá sản DN vì lo ngại mất việc làm và các quyền lợi. “Khi không ai muốn thực hiện phá sản, giải thể DNNN yếu kém thì chỉ tính về mặt thủ tục, công tác này khó mà thực hiện”, ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan nêu trên, ông Phạm Đức Trung cho rằng, còn có nguyên nhân khách quan là phần lớn DNNN thuộc diện giải thể, phá sản có tình hình hoạt động, kinh doanh rất kém, gần như không thể phục hồi được. Vì thế, việc xác định giá trị DN và giải quyết hậu quả không phải là vấn đề đơn giản.

Cắt bỏ DNNN để giảm gánh nặng cho nền kinh tế

Hiện không ai muốn cho DNNN yếu kém giải thể, phá sản. Chủ nợ thì sợ bị mất khoản tiền cho DN vay; người chủ sở hữu thì e ngại, không muốn phải chịu trách nhiệm về việc cho phá sản DNNN. Thứ ba là tập thể người lao động không muốn phá sản DN vì lo ngại mất việc làm và các quyền lợi.
Trong bối cảnh hoạt động cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2015 thu được kết quả rất hạn chế, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu tình hình này không được cải thiện có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là việc khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng.

Về hướng giải quyết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đến thời điểm này giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN một cách hiệu quả và thực chất cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là công tác thực thi phải nghiêm túc, tuân thủ theo cơ chế thị trường. Đối với những DNNN yếu kém, không thể phục hồi được, cần kiên quyết “cắt bỏ”.

“Những DNNN yếu kém thuộc diện phá sản, giải thể phải kiên quyết phá sản, giải thể. Nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ những DN yếu kém này sẽ làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, nguồn lực cho tăng trưởng bị thu hẹp. Không thực hiện được việc này, khó mà nói đến câu chuyện tạo cơ chế thị trường cho DNNN, các DNNN yếu kém còn lại sẽ không thấy áp lực phải cải thiện kinh doanh, quản trị”, ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình cơ cấu lại DNNN yếu kém, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tăng cường giám sát để hoạt động này thực chất và hiệu quả hơn. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị DN để trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Trong trường hợp những DNNN yếu kém không thể phục hồi được thì phải ngay lập tức bán đấu giá tài sản để giảm gánh nặng cho nền kinh tế. Đơn cử như trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có thông điệp rất rõ, những DN nào không phục hồi được thì phải bán đấu giá tài sản ngay lập tức.

Chuyên đề