Những áp lực lớn cho chính sách tiền tệ 2017

(BĐT) - Năm 2016, điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, năm tới, chính sách tiền tệ sẽ phải đối mặt với những áp lực lớn hơn rất nhiều.
Lãi suất năm 2017 sẽ khó giảm thêm. Ảnh: Nhã Chi
Lãi suất năm 2017 sẽ khó giảm thêm. Ảnh: Nhã Chi

Kinh tế thế giới biến động khó lường

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, năm 2017, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó dự báo, thương mại toàn cầu tăng trưởng còn yếu. Nhiều nước có thể có chính sách phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, tác động đến chính sách của Việt Nam. Áp lực tăng lãi suất cũng sẽ rất lớn do mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm sau.

Bên cạnh đó, năm tới tình hình thanh khoản có áp lực nhất định, đòi hỏi điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ nhưng không tác động lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Trong Báo cáo về triển vọng 2017, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong năm 2017, tác động từ phía bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm 2016; nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh. Bên cạnh đó, khi thị trường thế giới có nhiều sự kiện và biến động mạnh, tâm lý đầu cơ có thể sẽ nhen nhóm trở lại, tạo sức ép nhất định lên thị trường trong ngắn hạn và đòi hỏi NHNN phải có những quyết sách điều hành hợp lý, linh hoạt.

Ngoài ra, trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực từ những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Lãi suất sẽ rất khó giảm thêm. 

Chính sách tiền tệ cần tiếp tục linh hoạt

NHNN kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Đồng thời, hạn chế sử dụng công cụ tiền tệ thay cho công cụ tài khóa, ngân sách trong điều hành vĩ mô
VCBS phân tích, kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ trong năm 2017 sẽ ở mức dồi dào và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ mạnh cho tỷ giá. Ngoại trừ Mỹ, nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á, vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng khá mạnh mẽ. Với thế mạnh về sự ổn định kinh tế, chính trị và tương đối gần về địa lý, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư. 2017 cũng sẽ là năm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tại những tổng công ty lớn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho Việt Nam.

Tổng hợp các yếu tố, VCBS cho rằng, mặc dù đồng VND trong năm 2017 có thể sẽ chịu nhiều sức ép hơn giai đoạn trước, nhưng triển vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp NHNN có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết. Dự báo mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2% - 4%.

Trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát, biến động của thị trường ngoại hối và việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, VCBS cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất. Mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được với dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định, chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được bảo đảm.

Về định hướng chính sách năm tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, chính sách tiền tệ phải linh hoạt, thận trọng, để vừa đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, mà vẫn hỗ trợ tăng trưởng một cách hợp lý. Đồng thời, phải kiểm soát quy mô tín dụng, bảo đảm tín dụng an toàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Theo ông Lê Minh Hưng, NHNN kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Đồng thời, hạn chế sử dụng công cụ tiền tệ thay cho công cụ tài khóa, ngân sách trong điều hành vĩ mô. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính xác định cụ thể số lượng, kỳ hạn, thời điểm, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ để NHNN phối hợp chặt chẽ hơn trong điều hành thanh khoản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2017 phải quyết liệt xử lý nợ xấu, xử lý căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém. Bộ Công an và các bộ, ngành khác phải có sự phối hợp tốt với NHNN để tập trung xử lý vấn đề này, không để kéo dài. Ngoài ra, giữ ổn định giá trị đồng VND ở mức hợp lý, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Chuyên đề