Hạ lãi suất: mệnh lệnh thị trường hay hành chính?

Trước thềm cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với giới doanh nhân vào ngày 29/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã họp với các ngân hàng trong nhóm G14, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang phải gánh mức lãi suất phổ biến từ 7 - 11%/năm
Các doanh nghiệp đang phải gánh mức lãi suất phổ biến từ 7 - 11%/năm

Câu chuyện dùng mệnh lệnh hành chính hay mệnh lệnh thị trường với vấn đề lãi suất lại được đặt ra.

Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất 8%/năm, trong khi lạm phát chỉ hơn 1%, cho thấy, các doanh nghiệp đang phải gánh mức lãi suất thực rất cao và bất hợp lý. Chính phủ phải cố gắng giảm lãi suất 1-2%/năm trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cũng dẫn ra số liệu doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, qúy I/2016, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ.

"Trừ phi Chính phủ chuyển sang chính sách bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nhiều hình thức, còn nếu để các ngân hàng tự cân đong đo đếm trong thanh khoản của mình, cân đối giữa huy động - cho vay và câu chuyện nợ xấu thì rất khó hạ lãi suất".
“Đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao”, ông Lộc nhận xét.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ: “Tôi cũng nghe nói về việc có DN phải vay ngân hàng với lãi suất cao và đã tố trực tiếp với Thống đốc. Nhưng, ở góc độ người làm ngân hàng, tôi biết, trong giai đoạn kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn hiện nay, nếu DN tốt, ngân hàng không dại gì lại để DN đó phải vay lãi suất cao”.

Còn Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khác phân tích, lạm phát đang đứng trước khả năng biến động mạnh hơn. Trước hết là do giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã chạm đáy và có khả năng sẽ tăng nhẹ. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nền kinh tế trong nước, có thể khiến một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá cao hơn trong năm 2016. Đồng thời, từ năm 2015, Chính phủ đã tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện và khả năng tăng giá của các nhóm hàng do nhà nước quản lý này trong năm 2016 vẫn rất lớn. Tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá. Do đó, lạm phát 2016 dự báo sẽ ở mức 4 - 5%.

“Trừ phi Chính phủ chuyển sang chính sách bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nhiều hình thức, còn nếu để các ngân hàng tự cân đong đo đếm trong thanh khoản của mình, cân đối giữa huy động - cho vay và câu chuyện nợ xấu thì rất khó hạ lãi suất”, vị lãnh đạo trên khẳng định.

Thực tế cũng cho thấy, khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rục rịch tăng lãi suất, thị trường quan ngại điều này có thể làm biến động các dòng vốn, thay đổi quan điểm về sự thắt chặt tiền tệ, nên nếu lãi suất tăng chắc chắn sẽ gây những hệ lụy không nhỏ. Nhưng, trong cuộc trao đổi với nhiều lãnh đạo ngân hàng, thông điệp chung là căn bản ngân hàng cũng mong muốn lãi suất giảm vì DN đỡ khó khăn, ngân hàng cũng dễ thở hơn. Việc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, dẫn đến tăng lãi suất cho vay cũng là việc chẳng đặng đừng khi không huy động được vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng.

“Đó là chưa kể đến việc các ngân hàng đang giữ một lượng trái phiếu chính phủ lớn (với khoảng 200 - 300 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ, trong đó, các ngân hàng nắm giữ tới 80%), khi lãi suất giảm, trái phiếu lên giá, nghĩa là các ngân hàng sẽ có lợi nhuận ngay. Vậy, có lý do nào mà các ngân hàng không muốn giảm lãi suất cho vay. Vấn đề ở đây là ngân hàng chưa biết giảm lãi suất từ chỗ nào?”, vị lãnh đạo trên nói. 

Chuyên đề