Tư vấn phản ứng vì hủy thầu thiếu căn cứ

(BĐT) - Diễn biến mới nhất của việc tổ chức đấu thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre làm chủ đầu tư khiến chính những người trong cuộc tiếp tục có ý kiến phản đối. 
Theo tư vấn và các nhà thầu, lý do hủy 3 gói thầu mua sắm thiết bị cho các trường học tại tỉnh Bến Tre là không thuyết phục. Ảnh: Nhã Chi
Theo tư vấn và các nhà thầu, lý do hủy 3 gói thầu mua sắm thiết bị cho các trường học tại tỉnh Bến Tre là không thuyết phục. Ảnh: Nhã Chi

Hiện tại, sau nhiều lùm xùm, UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định hủy thầu 3 gói thầu này, tuy nhiên cả tư vấn đấu thầu và các nhà thầu đều cho rằng, lý do hủy thầu mà chủ đầu tư đưa ra là không thuyết phục.

Hủy thầu, kiểm điểm trách nhiệm

Ngày 16/3/2017, UBND tỉnh Bến Tre đã có quyết định về việc hủy thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị cho Trường THPT An Qui, Trường THPT Chợ Lách A và Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Tỉnh do Sở GD&ĐT Bến Tre làm chủ đầu tư.

Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh này đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xin chủ trương hủy thầu 3 gói thầu nêu trên với lý do HSMT của 3 gói thầu đã nêu cụ thể nhãn hiệu, xuất xứ một số hàng hóa mua sắm, vi phạm quy định về đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu của Luật Đấu thầu.

Cụ thể, Sở GD&ĐT Bến Tre dẫn chứng, tại Gói thầu Mua sắm thiết bị Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Tỉnh, thiết bị ampli ghi xuất xứ Hàn Quốc; micro ghi xuất xứ Philippines. Còn tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị Trường THPT An Qui và Gói thầu Mua sắm trang thiết bị Trường THPT Chợ Lách A, thiết bị máy tính yêu cầu cung cấp cũng được nêu rõ nhãn hiệu hàng hóa.

Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, trách nhiệm để xảy ra các sai sót nêu trên là của bên mời thầu, trong đó, đơn vị tư vấn lập HSMT đã không thực hiện đầy đủ quy định nêu trong các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Tổ thẩm định cũng đã không tổ chức thẩm định chặt chẽ HSMT.

UBND tỉnh Bến Tre đã giao Sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc tổ chức đấu thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị tại các trường. 

Tư vấn và nhà thầu đồng loạt phản ứng

Ngay khi UBND tỉnh Bến Tre có quyết định hủy thầu 3 gói thầu nêu trên, đơn vị tư vấn mời thầu đã phản ứng quyết liệt với cách báo cáo và công bố thông tin của chủ đầu tư.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và đầu tư xây dựng Nhà Xinh, đại diện đơn vị tư vấn đấu thầu, chủ đầu tư đã báo cáo không đầy đủ toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 3 gói thầu nêu trên và điều quan trọng nhất là lý do để quyết định hủy thầu hoàn toàn thiếu thuyết phục.

Gửi các tài liệu liên quan đến Báo Đấu thầu, đơn vị tư vấn khẳng định, về tính minh bạch, HSMT 3 gói thầu được xây dựng với những tiêu chí đơn giản, không có bất kỳ tiêu chí nào nhằm hạn chế cạnh tranh giữa các nhà thầu. Ngoài ra, trong quá trình phát hành và gia hạn thời gian phát hành HSMT đã có 7, 8 nhà thầu mua hồ sơ, nhưng không một nhà thầu nào yêu cầu bên mời thầu phải làm rõ HSMT. Điều này cũng có nghĩa HSMT đã được chính các nhà thầu xác nhận về tính công bằng.

UBND tỉnh Bến Tre đã giao Sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc tổ chức đấu thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị tại các trường.
Cũng theo đơn vị tư vấn, trong HSMT, ngoài thiết bị hàng hóa có ghi xuất xứ yêu cầu cung cấp, HSMT của bên mời thầu đã nêu rõ “hoặc tương đương”. Với quy định này, nhà thầu dự thầu hoàn toàn có thể sử dụng những hàng hóa khác có thương hiệu, thông số kỹ thuật, nguồn gốc tương tự để cung cấp cho chủ đầu tư.

“Gói thầu Mua sắm thiết bị Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật có 4 nhà thầu tham gia đấu thầu. Các nhà thầu đã sử dụng hàng hóa có thương hiệu, thông số kỹ thuật, nguồn gốc tương đương với hàng hóa theo yêu cầu của HSMT và tất cả 4 nhà thầu đều được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về hàng hóa”, đơn vị tư vấn dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đối với 2 gói thầu mua sắm thiết bị cho Trường THPT An Qui và Trường THPT Chợ Lách A, tư vấn đấu thầu cho biết, đã tham mưu cho chủ đầu tư ban hành văn bản về việc sửa đổi HSMT 2 gói thầu này. Văn bản này nêu rõ: “Tất cả những tính năng kỹ thuật, thương hiệu của nhà sản xuất của máy vi tính quy định trong Phần 2: Yêu cầu về phạm vi cung cấp, bổ sung cụm từ “bằng hoặc tương đương trở lên””. 

Tương tự, đối với hàng hóa là bộ sản phẩm dạy và học ngoại ngữ, cụm từ “bằng hoặc tương đương trở lên” cũng được bổ sung sau loại hàng hóa yêu cầu cung cấp. Các nhà thầu khi tham gia đấu thầu 2 gói thầu này đã sử dụng hàng hóa có thương hiệu, thông số kỹ thuật, nguồn gốc hàng hóa tương đương với hàng hóa theo yêu cầu của HSMT và đều được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về hàng hóa.

“Chủ đầu tư chỉ công bố thông tin từ HSMT, mà cố tình lờ đi văn bản sửa đổi HSMT do chính chủ đầu tư ban hành”, nhà thầu tư vấn bức xúc.

Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Trang trí nội thất Phúc Tấn cho biết, lý do dẫn đến hủy 3 gói thầu nêu trên là thiếu thuyết phục. “Trong quá trình dự thầu, các nhà thầu đã nhận được văn bản về việc sửa đổi HSMT của chủ đầu tư. Chúng tôi nhận thấy HSMT hoàn toàn không có vấn đề gì. Do đó, chủ đầu tư nói HSMT không đảm bảo tính công bằng, minh bạch là thiếu căn cứ. Ngoài ra, văn bản công bố việc hủy thầu của chủ đầu tư mà các nhà thầu nhận được lại không nêu rõ nguyên nhân dẫn đến hủy 3 gói thầu nêu trên nên chúng tôi rất thắc mắc. Nhà thầu sẽ có ý kiến với các cấp có thẩm quyền để làm rõ nguyên nhân của việc hủy thầu này”.                                                

Chuyên đề