Chế tài với những DNNN không công bố thông tin

(BĐT) - Hình thức xử lý đối với những vi phạm về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện. Lần đầu tiên, biện pháp xử lý hình sự được kiến nghị áp dụng.
Hơn 200 doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện công bố thông tin đầy đủ. Ảnh: Dương Khải
Hơn 200 doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện công bố thông tin đầy đủ. Ảnh: Dương Khải

Đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hoàn thiện văn bản kiến nghị hình thức xử lý đối với những vi phạm về hoạt động công bố thông tin của DNNN năm 2016 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Tại dự thảo này, Bộ KH&ĐT kiến nghị xử lý hơn 600 DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin. Trong đó, hơn 379 DN chưa thực hiện công bố bất kỳ thông tin nào được đề xuất mức xử phạt là 10 triệu đồng/DN. Hơn 200 DNNN chưa thực hiện công bố thông tin đầy đủ, Bộ KH&ĐT đề xuất mức xử phạt là 5 triệu đồng/DN.

Đặc biệt, biện pháp xử lý hình sự được đề xuất áp dụng đối với người quản lý DNNN trong trường hợp DN không thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Theo đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, mức xử phạt nêu trên được kiến nghị căn cứ theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về việc công bố thông tin của DNNN và Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT.

Bộ KH&ĐT kiến nghị xử lý hơn 600 DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin. Trong đó, hơn 379 DN chưa thực hiện công bố bất kỳ thông tin nào được đề xuất mức xử phạt là 10 triệu đồng/DN.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 31/12/2016, cả nước mới có 241 trong số 620 DNNN gửi báo cáo công bố thông tin về Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin DN tại địa chỉ http://www.business.gov.vn. Tuy nhiên, trong số 241 DN này cũng chỉ có khoảng 10 DN thực hiện công bố thông tin đầy đủ.

Trong danh sách 379 DNNN thuộc diện phải công bố thông tin nhưng chưa thực hiện quy định này, đáng chú ý, có nhiều công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số DN lớn. Điển hình như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 5 DN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 2 DN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có 6 DN, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có 4 DN…

Việc xây dựng chuyên mục và công bố thông tin của DN theo quy định của một số bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đến ngày 31/12/2016, mới có 7 bộ, ngành; 7 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và 6 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định.

Lý giải về việc quy định về công bố thông tin đã có nhưng nhiều DN vẫn không tuân thủ, đại diện Cục Phát triển DN cho biết, nguyên nhân một phần do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên các DN không ngại vi phạm.

“Năm 2016, trước mỗi kỳ công bố thông tin, Bộ KH&ĐT đều có công văn đôn đốc bộ, ngành, địa phương, DN thực hiện quy định, tuy nhiên nhiều DN vẫn rất thờ ơ. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc công bố thông tin của các DN này. Trong trường hợp DN không thực hiện công bố thông tin hoặc công bố thông tin không đầy đủ, sẽ có hình thức xử phạt nặng”, đại diện Cục Phát triển DN cho biết.

Chuyên đề