Xóa xung đột trong lập quy hoạch

(BĐT) - Dự thảo Luật Quy hoạch quy định rõ những nội dung nhằm minh bạch công tác lập quy hoạch được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Dự thảo Luật cũng giải được bài toán phát triển bền vững khi coi trọng yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu khi lập quy hoạch.
Quy hoạch chất lượng thấp là nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực đất nước. Ảnh: Tiên Giang
Quy hoạch chất lượng thấp là nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực đất nước. Ảnh: Tiên Giang

Loại bỏ quy hoạch chồng lấn

Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Quang Các khẳng định, tinh thần xuyên suốt của Dự thảo Luật Quy hoạch chính là minh bạch công tác lập quy hoạch, loại bỏ những quy hoạch chồng lấn, hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và hiệu quả.

Theo thống kê, hiện mỗi địa phương có không dưới 200 quy hoạch. Số lượng quy hoạch này theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư thuộc Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Thục là quá nhiều và không cần thiết. “Không khó để nhận ra thực tế có những quy hoạch được lập và thực hiện là để đưa lợi ích của một nhóm hay một cá nhân vào trong đó. Điều này là rào cản cho sự phát triển bền vững, khiến môi trường đầu tư kinh doanh thiếu cạnh tranh lành mạnh”, chuyên gia Nguyễn Hồng Thục nhận định.

Bộ KH&ĐT cho rằng, quy hoạch được lập quá nhiều, chất lượng thấp, thiếu tính khả thi là nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Quan ngại hơn, quy hoạch không phù hợp với nền kinh tế thị trường còn gây trở ngại cho đầu tư và cản trở sự phát triển. Nhiều bài học nhãn tiền cho thấy, nhiều ngành, lĩnh vực đáng lẽ chỉ cần quản lý bằng các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lại được lập quy hoạch. Các quy hoạch này vì thế không phù hợp với nền kinh tế thị trường, gây trở ngại cho phát triển kinh tế. Điển hình như, quy hoạch ngành cà phê; quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; quy hoạch nuôi, chế biến cá tra…  “Với tinh thần cải cách mạnh mẽ của Luật Quy hoạch, chúng tôi tin rằng, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm nhiều động lực, hỗ trợ được nhiều chỉ số bền vững để mạnh dạn đầu tư, mở rộng kinh doanh hơn”, chuyên gia Nguyễn Hồng Thục nhận định.

Sẽ không có những vụ như cá chết hàng loạt?

Dự thảo Luật Quy hoạch đã lồng ghép các vấn đề môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào gần như toàn bộ phạm vi và nội dung quy hoạch
Tiếp cận Dự thảo Luật Quy hoạch từ góc độ hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyên gia Đặng Hùng Võ lại có góc nhìn khác mang tính thời sự. Theo ông Võ, hiện nay, chất lượng của các quy hoạch nói chung còn quá thấp nên gần như không có quy hoạch nào gắn liền với chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các quy hoạch đều không có tính bền vững, thậm chí, sự hủy hoại môi trường, tác động tiêu cực đến tự nhiên đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Chuyên gia này chia sẻ, chúng ta có rất nhiều quy hoạch, nhưng tính bền vững đều là số 0. Cụ thể, quy hoạch phát triển thủy điện miền Trung đã không lường trước được tình trạng ngập lụt khu dân cư; quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long xác định đây là vùng lúa trọng điểm nhưng hiện nay lại bị hạn nặng, rồi ngập mặn nghiêm trọng; hay quy hoạch TP.HCM sau khi thực hiện bê tông hóa 200 con kênh, thì nay phải quy hoạch lại nhằm khôi phục hệ thống kênh để giải bài toán chống ngập do triều cường và mưa với lượng lớn.

“Câu chuyện thời sự nhất hiện nay chính là việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, khởi nguồn từ Vũng Áng, Hà Tĩnh. Chúng ta chưa có kết luận cuối cùng, nhưng bản thân mỗi người dân đều đặt câu hỏi về mối liên quan giữa câu chuyện cá chết với việc xả thải tại Khu liên hợp gang thép Formosa. Nếu chất lượng quy hoạch của chúng ta tốt, tích hợp yếu tố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ngay từ đầu, chúng ta sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi đặt một dự án công nghiệp nặng, có sức tác động ghê gớm đến môi trường như vậy cạnh vị trí nhạy cảm là biển”, ông Võ băn khoăn.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, Dự thảo Luật Quy hoạch đã lồng ghép các vấn đề môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào gần như toàn bộ phạm vi và nội dung quy hoạch. Ông Geert Vansintjan, Phó Đại sứ Bỉ tại Việt Nam đánh giá: “Dự thảo Luật Quy hoạch với mục tiêu rõ ràng, hướng tới sự phát triển bền vững và đảm bảo được quyền lợi của đa số người dân. Với tinh thần này, các quy hoạch về sau của Việt Nam sẽ có chất lượng tốt, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”.

Ông Vũ Quang Các khẳng định, Luật Quy hoạch sẽ sớm được ban hành với kỳ vọng cải thiện công tác lập quy hoạch, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. “Luật Quy hoạch ban hành sẽ giúp ngăn chặn được nhiều vụ như cá chết đồng loạt như vừa qua, cũng như dự đoán trước xung đột giữa lợi ích kinh tế - môi trường, sinh kế”, ông Các kỳ vọng.         

Chuyên đề