Điểm mặt trạm BOT ép dân nộp phí oan

(BĐT) - Hàng ngày hàng giờ rất nhiều người đang bị cưỡng bức trả tiền cho một dịch vụ mà mình không sử dụng. Có người sẽ thốt lên: “Không dùng tại sao phải trả tiền, thế có khác gì bị móc túi!”. Nhưng hãy thử lái xe đi qua những trạm thu phí mà chúng tôi điểm danh ra đây, bạn sẽ thấy nghịch lý này đang diễn ra như một chuyện đương nhiên.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cách đây 8 năm, Trạm thu phí Tào Xuyên thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT đường tránh TP. Thanh Hóa không đặt trên đường BOT mà đặt trên Quốc lộ 1A đã gây rất nhiều bức xúc cho người dân sở tại. Bắt đầu từ 9/2009, người dân và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A dù không đi qua đường tránh TP. Thanh Hóa vẫn phải oằn mình trả phí qua trạm. Sau phản ánh của dư luận, truyền thông, cuối năm 2012, Trạm thu phí Tào Xuyên đã phải dịch chuyển vị trí.

Thế nhưng, không phải ở đâu ta cũng thấy được cái kết có vẻ có hậu như vậy.

Ngay tại cửa ngõ Thủ đô, có trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trạm thu phí này do Công ty CP BOT Vietracimex 8 quản lý, thu phí từ năm 2011 với thời gian hoàn vốn là hơn 16 năm. Đường BOT tại Vĩnh Phúc, trạm lại đặt trên tuyến đường huyết mạnh nối trung tâm Thủ đô với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sự tréo ngoe này đã và đang hiện hữu dù Lãnh đạo TP. Hà Nội đã nhiều lần có ý kiến không đồng tình.

Cùng cảnh ngộ, từ ngày 12/8/2016, người dân, phương tiện di chuyển từ phía thị trấn Lăng Cô (Quảng Trị) đến TP. Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia cũng đang phải ngày ngày trả phí để hoàn vốn cho Dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Nghịch lý này xảy ra chỉ vì Trạm không đặt trên đường BOT, mà đặt ngay trên Quốc lộ 1A trước hầm Hải Vân.

Có lẽ người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 không thể ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó bên tỉnh Nghệ An.
Thậm chí có trường hợp mà Thanh tra Bộ KH&ĐT phải gọi là “lẩu thập cẩm công trình thu phí” khi nhà đầu tư sử dụng Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho Dự án Tuyến tránh TP. Vinh, Dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP. Vinh, Dự án Nút giao Quốc lộ 46 và Dự án Cầu Yên Xuân. Có lẽ người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 không thể ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó bên tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, người dân ở Nghệ An, nếu không đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 để sang Hà Tĩnh, có thể sử dụng miễn phí tuyến tránh TP. Vinh, cầu vượt nút giao Quốc lộ 46 với đường sắt Bắc - Nam và cầu Yên Xuân.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 5 cũ để hoàn vốn cho Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang “cưỡng bức” người dân phải trả phí cho một tuyến đường mà mình không đi - một dịch vụ cao cấp mà họ không sử dụng.

Trước áp lực dư luận, nhiều nhà đầu tư BOT đã phát đi chính sách là không thu phí đối người dân có hộ khẩu tại một số khu vực phải đi qua trạm mà không sử dụng đường BOT. Thế nhưng, ngoài người dân có hộ khẩu trong khu vực mà nhà đầu tư khoanh vùng, rất nhiều phương tiện từ Bắc chí Nam vẫn phải lưu thông qua những trạm này và rất nhiều trường hợp phải trả phí oan.

Thực trạng này vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc làm việc ngày 21/2 vừa qua. Qua kiểm toán 27 dự án, KTNN khẳng định có việc trạm thu phí không đặt trên đường BOT, dẫn đến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Một trong những nguyên nhân, theo Thanh tra Bộ KH&ĐT, là do hiện chưa có quy định về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án BOT. Có lẽ, để chấm dứt nghịch lý này cần sự thay đổi từ quy định của pháp luật. Và theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cần phải công khai rộng rãi dự án BOT cùng vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn trước khi ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để người dân được quyền cho ý kiến về một dịch vụ mà mình sẽ phải trả tiền trong tương lai.               

Chuyên đề