Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chưa đi vào thực chất

(BĐT) - Hầu như các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, theo bệnh thành tích, chưa có cải cách cơ bản. Do đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới “xốc” lại nhiệt huyết cho các nhà đầu tư.
Mục tiêu của cơ cấu lại DNNN là tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân lớn mạnh. Ảnh: Như ý
Mục tiêu của cơ cấu lại DNNN là tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân lớn mạnh. Ảnh: Như ý

Thách thức vẫn rất lớn

Tại Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề: “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020” tổ chức sáng ngày 2/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và hơn thế, phải là động lực chính để phát triển nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là cơ cấu lại khu vực nhà nước, cụ thể là DNNN mở ra cơ hội, dư địa cho kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả thực hiện 5 năm vừa qua, ông Lộc cho rằng, quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn chưa thực chất, còn những hạn chế nhất định.

Khẳng định kết quả CPH DNNN thời gian qua còn “có vấn đề”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Nhìn vào tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn vừa qua thì số lượng DNNN chuyển sang mô hình mới coi như đạt, song bản chất CPH không đạt”. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Kiên, đó là do cơ cấu sở hữu ít thay đổi, dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của doanh nghiệp không  được như mong đợi.

“Nếu chúng ta vẫn cứ theo bệnh hình thức, thích ngồi báo cáo với nhau để rồi nhận huân chương về thành tích CPH thì cần phải xem lại. Tôi nói thật, đứng về phía DN thì phải quan tâm xem lợi nhuận thế nào, hiệu quả kinh tế ra sao” - ông Kiên nêu quan điểm. 

Vì vậy, ông Kiên cho rằng, thách thức lớn nhất đối với tái cơ cấu DNNN hiện nay chính là “thách thức chính trong bản thân chúng ta, chứ không phải cơ chế”. Trong khi đó, đề cập về “sức khỏe” của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc VCCI lo lắng, “sức khỏe” của nền kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp tư nhân đều đáng ngại. Dẫn thông tin của cơ quan thuế, ông Tuấn cho hay, hiện 58% doanh nghiệp tư nhân chính thức không có thu nhập để nộp thuế, tức hiện chỉ có khoảng 42% DN đang có lãi để nộp thuế. 

Phát triển mạnh động lực tăng trưởng mới

Hiện các doanh nghiệp này lại đang gặp phải một điểm nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là phải chi những khoản không chính thức để thuận lợi hơn trong các thủ hành chính về tiếp cận vốn, đất đai,… 
Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2016 - 2020, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần thiết tái cơ cấu DNNN một cách thực chất để mở ra cơ hội, dư địa cho kinh tế tư nhân. Theo ông Lộc, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã nêu ra mục tiêu cụ thể về vấn đề này như: Nhà nước giảm tỷ lệ nắm cổ phần trong DNNN, giảm tỷ lệ DNNN nắm đa số cổ phần, thoái vốn ra khỏi DNNN, không cần nắm giữ trên 50%. Ông Lộc khẳng định: “Quá trình rút lui của DNNN sẽ là bước tiến để doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình tái cơ cấu DNNN, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân mua cổ phần, trở thành nhà đầu tư chiến lược”.

Ông Tuấn thì cho rằng, để khối doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. “Hiện chính sách ban hành ra đang chỉ dành cho các ông lớn, các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận. Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì sao có các doanh nghiệp lớn? Nếu cứ tập trung vào doanh nghiệp lớn thì tạo sức ép lên doanh nghiệp nhỏ, khiến cho họ không có động lực phát triển” - ông Tuấn phân tích.

Mặc dù là một doanh nghiệp khá có tiếng trên thị trường, song bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco phàn nàn: “Chúng tôi thấy phiền hà khi cải cách thủ tục hành chính chỉ nghĩ đến số lượng mà chưa nghĩ đến chất lượng. Doanh nghiệp muốn đẩy nhanh năng suất lao động nhưng những thủ tục như đi xin phép đăng ký hay phê duyệt rất chậm, đây là yếu tố vô hình làm cho năng suất lao động của doanh nghiệp bị tăng chậm”. Do vậy, bà Thuận cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, xóa bỏ rào cản để doanh nghiệp tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tán thành đề xuất này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, điểm nghẽn về lãi suất đối với doanh nghiệp tư nhân hiện không còn là vấn đề đáng ngại nhất. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp này lại đang gặp phải một điểm nghẽn khác, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là phải chi những khoản không chính thức để thuận lợi hơn trong các thủ hành chính về tiếp cận vốn, đất đai,… Từ thực tế này, ông Lực mong muốn doanh nghiệp tư nhân cần chủ động về vốn để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, trong đó có thể xem xét phát hành cổ phiếu.

Chuyên đề