Chế tài mạnh hơn đối với vi phạm đấu giá tài sản

(BĐT) - Với 84,41% số phiếu tán thành (417/429 số đại biểu tham gia biểu quyết), Luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản tiết lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá. Ảnh: Mai Quân st
Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản tiết lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá. Ảnh: Mai Quân st

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật Đấu giá tài sản được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật giữ quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản tiết lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi; nghiêm cấm người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, từ đó có cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự cho cuộc đấu giá theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản.

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 1/7/2017 sẽ không có văn bản pháp luật điều chỉnh việc thu phí dịch vụ đấu giá tài sản. Để tránh khoảng trống về mặt pháp lý, đảm bảo xử lý tài sản kịp thời, đặc biệt là tài sản nhà nước và tài sản thi hành án, các tổ chức đấu giá tài sản được phép thu phí dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định pháp luật hiện hành cho đến ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề