Bất động sản hấp dẫn FDI

(BĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn tiếp tục nhận thêm nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Hơn 800 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào BĐS trong 5 tháng đầu năm đang tạo ra nguồn lực khá lớn, giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại.
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Ảnh: Lê Tiên
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2018, số vốn FDI đăng ký của các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới vào hoạt động kinh doanh BĐS đạt 623,3 triệu USD. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư từ trước thì FDI vào hoạt động kinh doanh BĐS đã đạt 806,5 triệu USD, chiếm 11,3% tổng vốn FDI. “Kết quả này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường BĐS Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Các chuyên gia cho rằng, với sự hỗ trợ từ chính sách, cùng lợi thế cạnh tranh của thị trường, BĐS Việt Nam đang thu hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư và phát triển kinh doanh của các nhà đầu tư này đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, sự phát triển của nền kinh tế, sự hoàn thiện dần các khung khổ pháp lý, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo đó, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, bởi thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục sôi động. Hiện đang có hàng tỷ USD chờ đợi để đổ vào thị trường BĐS Việt Nam ở hầu hết các phân khúc.

Có thể thấy, xu hướng thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2017 khi lĩnh vực này chiếm tới 8,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, với 3,05 tỷ USD. Bước sang năm 2018, vốn FDI không chỉ mở rộng ở phân khúc nhà ở, mà có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang BĐS công nghiệp, BĐS thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa và dự án khách sạn cao cấp. 

Lợi ích cho nhà đầu tư trong và ngoài nước

Một điều không khó nhận ra là thị trường BĐS Việt Nam thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này dự báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến khi kết hợp được thế mạnh của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm kinh doanh và DN địa phương nắm giữ quỹ đất lớn, am hiểu về trình tự thủ tục đầu tư.

Tương ứng với giá trị, vốn FDI vào BĐS mang đến nhiều lợi thế cho thị trường Việt Nam. Điển hình như, tạo ra nguồn lực khá lớn về vốn, giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại đổ vào BĐS cũng sẽ góp phần gia tăng sự hợp tác, liên kết giữa nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài, giảm áp lực lệ thuộc vốn ngân hàng của DN BĐS nội địa. Ngoài ra, việc thị trường BĐS trở nên đa dạng về thành phần tham gia sẽ hỗ trợ thị trường này phát triển bền vững hơn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh trong cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà.

Theo giới chuyên môn, cùng trong xu thế phát triển của thị trường thế giới và châu Á, BĐS Việt Nam đang thu hút vốn ngoại với hàng loạt điều kiện phát triển thuận lợi. Đặc biệt, năm 2018, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, GDP phấn đấu đạt 6,7%, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%. Cũng như năm 2017, năm 2018 sẽ chứng kiến tâm lý tích cực của nhà đầu tư cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu hút đáng kể vốn FDI và tốc độ đô thị hóa cao giúp thúc đẩy tăng trưởng về nhu cầu nhà ở.

Hiện tại, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt Nam đứng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Trong đó, tín hiệu tích cực là các DN Nhật Bản vẫn đang tiếp tục khảo sát thị trường để xem xét đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.

Một điểm đáng chú ý, theo các chuyên gia, là việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là một bước đi có lợi cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có BĐS. CPTPP được kỳ vọng sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, theo đó các công ty nước ngoài sẽ thành lập hoặc đặt chi nhánh tại Việt Nam làm gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, khu công nghiệp, mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.

Chuyên đề