Ảnh minh họa: Internet |
Hàng chục mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Đánh giá tình hình xuất khẩu 9 tháng năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu tốt, quy mô xuất khẩu tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 51,08 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 127,84 tỷ USD, tăng 14,6%.
“Như vậy, tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng trưởng 10%). Với đà này, chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2018 có thể tăng 11,2%”, ông Hải tin tưởng.
Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 9, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt, may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước.
Quan trọng hơn, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối DN trong nước đã cao hơn khối DN FDI. Trong 9 tháng đấu năm 2018, khối DN trong nước đã xuất khẩu hơn 51 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017, và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. “Đây là một kết quả rất tích cực đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 9 tháng qua”, ông Hải nói.
Tiếp tục khơi thông thị trường
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, nhiều FTA được ký kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa đón thêm các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi chiều tối ngày 23/10/2018, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phân công Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chuẩn bị báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lên Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Cùng với đó, mới đây, Ủy ban châu Âu đã có phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA, dự kiến cuối năm 2018, và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, “sân chơi” cho các DN Việt Nam, nhất là các DN xuất khẩu ngày càng rộng mở. Tận dụng được cơ hội từ các hiệp định này, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa.