Các nhân viên y tế đang thực hành sử dụng máy thở xâm nhập (đặt ống nội khí quản). Ảnh Internet |
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về các dòng máy thở hiện được sử dụng và sắp được sản xuất tại Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Máy thở được hiểu là một loại máy hỗ trợ hô hấp qua mặt nạ (che cả miệng hoặc qua mũi) tùy các mức độ khác nhau, nhằm tăng cường nồng độ thở oxy, áp suất và thời gian khuếch tán oxy từ phổi vào máu. Trong trường hợp nặng hơn, người ta đặt 1 ống thông vào trong lòng khí quản, qua đó máy thở sẽ đẩy dòng khí vào trong phổi của người bệnh.
Trong y học, chỉ có khái niệm “máy thở” và phân loại máy thở không xâm nhập (CPAP, BiPAP, HFO) và máy thở xâm nhập, chứ không hề có khái niệm “máy trợ thở” mới xuất hiện gần đây khiến xôn xao dư luận.
Đối với máy thở không xâm nhập, máy thở CPAP, bản chất nó là cái quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân đỡ tốn sức. Tuy vậy, áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Máy thở BiPAP hiện đại hơn, hỗ trợ nâng áp lực lên cao khi bệnh nhân hít vào và hạ áp lực xuống thấp để bệnh nhân thở ra không bị cản trở.
Đối với máy thở xâm nhập, đây là những máy được thiết kế để thở cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản. Khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Do phải đáp ứng nhiều yêu cầu hô hấp ở bệnh nhân nặng, nên máy sẽ có nhiều phương thức thở khác nhau, thậm chí là đa năng, bao gồm thở cả xâm nhập hay không xâm nhập.
Máy thở được dùng trong các bệnh viện thường có cấu tạo phức tạp, có nhiều tính năng hỗ trợ người bệnh suy hô hấp hoặc mất khả năng hô hấp. Để có thể vận hành được loại máy này đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo chuyên sâu, mất nhiều thời gian. Tùy thuộc vào độ tinh vi, tính năng, độ bền và thương hiệu, máy thở có giá thành đắt, rẻ khác nhau. Máy thiết kế đơn giản, dễ thao tác thường có giá thành thấp.
Dòng máy thở của Metran, phát minh vừa được GS. Trần Ngọc Phúc (người sáng lập Công ty Metran - Nhật Bản chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp) cam kết chuyển giao công nghệ cho Việt Nam là một loại máy thở nhỏ gọn, dễ thao tác và có giá thành thấp. Còn dòng máy thở Vingroup sẽ sản xuất - máy thở theo thiết kế của Puritan Bennett 560 là dòng máy xâm nhập, thiết kế chính cho vận chuyển, nhưng có thể dùng để thở máy cơ bản.
Ông có thể cho biết thực trạng sử dụng máy thở trong điều trị các bệnh suy hô hấp nói chung và dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hiện nay?
Không phải vì dịch bệnh Covid-19 mới cần đến máy thở, mà trong điều trị các bệnh nặng không chỉ do các bệnh về hô hấp cũng rất cần thiết. Thực tế, nhiều bệnh viện đang rất thiếu hụt loại thiết bị này.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng tăng cao so với bình thường cũng là điều dễ hiểu. Ở các nước, thông thường một thành phố khoảng 8 triệu dân thì phải có tới mấy nghìn máy thở. Nhưng ở Hà Nội, như Chủ tịch UBND Thành phố vừa cho biết, cả Thành phố hiện chỉ có 260 máy thở. Điều này cho thấy sự thiếu thốn trang thiết bị y tế ở nước ta và việc đầu tư loại thiết bị này chưa được quan tâm đúng mức.
Một số dòng máy phổ biến được các cơ sở y tế mua sắm nhiều nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là máy thở xâm nhập và không xâm nhập model e360C và e360E, Covidien của Hãng Medtronic - Mỹ, xuất xứ Ireland; máy thở xâm nhập và không xâm nhập Puritan Bennett 980, Covidien của Hãng Medtronic - Mỹ, xuất xứ Ireland; máy thở xách tay kèm van PEEP model Falco, Hãng Siare (GE Healthcare), xuất xứ Italy...
Và không riêng gì Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang rất thiếu loại máy này. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất được trong nước sẽ rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và dự phòng ở trong nước, mà còn có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế.
Không những thế, để có thể vận hành được máy thở dòng kỹ thuật cao đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải được đào tạo chuyên sâu. Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ này, do đó cần chú trọng đào tạo nguồn lực trong thời gian tới.
Vai trò của máy thở như thế nào trong điều trị dịch bệnh Covid-19, thưa ông?
Máy thở được cho là một trong những trang thiết bị y tế quan trọng nhất trong điều trị dịch bệnh Covid-19, vì virus Corona tấn công vào phổi gây biến chứng nặng nề.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đối với dịch bệnh Covid-19, trong 1.000 người nhiễm thì có khoảng 80% bệnh nhân chưa cần dùng đến máy thở, 20% cần hỗ trợ thở oxy bằng máy. Trong số 20% bệnh nhân này, 15% bệnh nhân dùng máy thở với chế độ hỗ trợ và chỉ 5% rơi vào tình trạng nguy kịch mới phải đặt ống thở trong phổi bằng cách gây mê. Nếu nặng hơn, mặc dù đã thở máy với chế độ tối ưu nhưng vẫn không đạt yêu cầu, thì phải dùng giải pháp cuối cùng là tim phổi nhân tạo - ECMO (hiểu nôm na là máy lấy máu ra chạy qua màng lọc để thải khí CO2 và trộn oxy, sau đó bơm vào hệ thống tuần hoàn của người bệnh, tức là làm thay chức năng tim, phổi).