Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. - Ảnh: VGP |
Tối 29/1, trong chuyến công tác tại Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.
Là tỉnh ven biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có cơ cấu kinh tế với nông nghiệp chiếm tỷ cao nhất (hơn 43% GRDP). Trong đó, quan trọng nhất là nuôi trồng thủy sản, đạt sản lượng hàng năm khoảng 210 ngàn tấn, riêng tôm nuôi đạt khoảng 115 ngàn tấn (đứng thứ 2 cả nước), tạo ra giá trị hơn 18 ngàn tỷ đồng và có kim ngạch xuất khẩu hơn 527 triệu USD. Bên cạnh thủy sản, trồng trọt cũng có vị trí rất quan trọng, với sản lượng lúa hàng năm trên 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đối khí hậu, nước biển dâng đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí trực tiếp uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Theo lãnh đạo tỉnh, nếu không kịp thời có những giải pháp ứng phó phù họp thì “trụ đỡ” này sẽ ngày càng suy yếu và tỉnh Bạc Liêu sẽ ngày càng khó khăn.
Bạc Liêu có đất đai bằng phẳng; bờ biển dài, vùng ven biển có lượng gió mạnh và khá ổn định (bình quần gần 7m/s). Trên địa bàn tỉnh có nắng và gió hầu như quanh năm với số giờ nắng đạt trên 2.900 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời bình quân hơn 5,0 kWh/m2/ngày. Với quỹ đất sẵn có ở khu vực ven biển, Bạc Liêu có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho rút Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII, đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì đề xuất phương án thay thế bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.
Nhờ các yếu tố trên, cộng với các chính sách ngày càng cởi mở, ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này và với sự quyết tâm, cầu thị trong mời gọi đầu tư của tỉnh nên gần đây đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn quan tâm, tiếp cận nghiên cứu và đã ký đầu tư nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Ảnh: VGP
Bạc Liêu, cái nôi của đờn ca tài tử, có nhiều tiềm năng và lợi thế, cả về kinh tế và văn hóa, có các điều kiện tốt hơn nhiều tỉnh. Cho nên, tỉnh cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, cần tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Với tiềm năng lợi thế như nuôi tôm nước lợ thâm canh năng suất cao, du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lúa chất lượng cao thì bao giờ Bạc Liêu có thể tự cân đối được ngân sách, chứ không chỉ ngân sách Trung ương hỗ trợ 48%? Thủ tướng cho rằng lãnh đạo tỉnh cần day dứt với câu hỏi này để có quyết tâm cao hơn.
Bạc Liêu cần phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột: đánh bắt nuôi trồng, chế biến thủy sản với trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh; chế biến thủy sản với trọng tâm là chế biến tôm chất lượng cao; phát triển du lịch, dịch vụ, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bạc Liêu đề nghị rút nhà máy nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII và cho rằng, tỉnh cần phát triển năng lượng tái tạo để bù lại.
Định hướng phát triển của Bạc Liêu cần kết nối chặt chẽ với ĐBSCL và TP.HCM, cả về quy hoạch, thị trường và các yếu tố trong quá trình sản xuất của địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các thành viên đoàn công tác của Chính phủ. - Ảnh: VGP
Cần xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn.
Nhấn mạnh việc phát triển bền vững, Thủ tướng cho rằng, có vùng nuôi tôm cực lớn gắn với công nghệ chế biến lớn để có sản phẩm chất lượng cao thì dễ gây ô nhiễm, tác động ngay đến sản xuất tôm, nguồn nước sinh hoạt. “Đó là bài toán mâu thuẫn mà chúng ta cần giải quyết tốt vấn đề quy hoạch để xử lý”.
Bạc Liêu cần quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ, các biểu hiện lợi ích nhóm để trục lợi. Phải triển khai thực tốt Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần chú ý chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của Bạc Liêu trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng nêu ra những mặt được và tồn tại, bất cập của Bạc Liêu như kết quả phát triển kinh tế - xã hội tương đối khá, tăng dần từng năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đã có chương trình tái cơ cấu nông nghiệp quyết liệt theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, dựa vào lợi thế so sánh của địa phương và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Tuy nhiên, tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu. Quy mô kinh tế còn nhỏ. Số doanh nghiệp ít, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, siêu nhỏ. Năng lực cạnh tranh hạn chế. Lao động trong nông nghiệp còn khá lớn.