Phát triển toàn diện con người, mục tiêu xuyên suốt của Đảng

(BĐT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, vị trí, vai trò, mục tiêu, nội dung và phương thức giải quyết các vấn đề về xây dựng, phát triển con người ngày càng được nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn.
Con người là nhân tố quyết định không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Trần Hải
Con người là nhân tố quyết định không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Trần Hải

Mục tiêu xuyên suốt, nhất quán

Giải phóng con người và chăm lo xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. Mục tiêu này được thể hiện xuyên suốt trong các kỳ đại hội, cũng như trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát triển toàn diện con người trở thành một trong những nhiệm vụ tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991; bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, một trong những đặc trưng của chế độ XHCN là “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Đại hội XI xác định xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”. Đến Đại hội XII, vấn đề “phát triển con người toàn diện” được đặt thành trung tâm của chiến lược phát triển đất nước, đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN”. Đó không chỉ là sự bổ sung về mặt lý luận, mà còn được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cụ thể trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua.

Với quan điểm coi nguồn lực con người là vốn quý và quan trọng nhất, Đảng ta xác định phải thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, phải phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. 

Xây dựng con người là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh việc gắn mục tiêu xây dựng văn hóa với xây dựng con người, chủ trương “phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân”, bảo đảm cho các chính sách xã hội thực sự phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, tạo sự ổn định và phát triển xã hội bền vững; bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ ngày càng tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Trên tinh thần đó, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa. Chính con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa. Con người là nhân tố quyết định không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta khẳng định “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”. Như vậy, con người, trước hết là nhân dân lao động phải được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mọi chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều phải xuất phát từ con người và vì con người, không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và đạo lý xã hội. Đồng thời, cần phải khai thác, phát huy các nguồn lực văn hoá của dân tộc để làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đó là những con người Việt Nam phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, có hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, đề cao các giá trị cao đẹp, nhân văn, đồng thời đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái tiêu cực, lạc hậu... 

Phát triển con người gắn với chăm lo cho con người

Gần đây, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngoài nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, còn bàn thảo và quyết định những vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp đến phát triển con người, chăm lo cho con người. Đó là vấn đề cải cách chính sách tiền lương xã hội và cải cách chính sách bảo hiểm.

Theo đó, chính sách tiền lương được xác định là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. 

Bảo hiểm xã hội được xác định là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Như vậy, chăm lo đời sống của người lao động, xây dựng hệ thống chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần cải cách đề ra trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII cũng chính là sự thể hiện cụ thể, sinh động quan điểm phát triển con người, chăm lo xây dựng con người của Đảng và Nhà nước ta.

Việc xây dựng, phát triển con người ở nước ta trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn có một số hạn chế nhất định. Bối cảnh phát triển con người của nước ta hiện nay vừa có những cơ hội mới, vừa đứng trước nhiều thách thức. Do đó, đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện để tìm ra những giải pháp hiệu quả cho việc phát triển con người một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Công tác thông tin, tuyên truyền nói chung và báo chí nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển con người Việt Nam theo quan điểm, chủ trương của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản, cốt lõi trong quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam; tuyên truyền những hoạt động cụ thể trên các ngành, lĩnh vực, địa phương phát triển con người, chăm lo cho con người và tích cực, chủ động đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm sai trái về xây dựng, phát triển con người Việt Nam.

Chuyên đề