Không để điều kiện kinh doanh giảm, giấy phép con lại mọc

(BĐT) - “Đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm; không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại mọc lại giấy phép con”. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 10/2017 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2017. Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2017. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Thủ tướng dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp trong nước đạt kết quả ấn tượng. Trước đó, cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngay sau phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian qua, các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… đều đưa ra các phương án bãi bỏ, rút gọn nhiều điều kiện kinh doanh; đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin tới báo chí, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan so với hiện nay. Tổ công tác tiếp tục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Chuyên đề