Bộ KHCN tiên phong cải cách nhưng cần nỗ lực để thực chất hơn

Các chuyên gia cho rằng Bộ KHCN đã có những cải cách tích cực nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, cần tiếp tục được xóa bỏ, cải cách hơn nữa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Chỉ 1 ngày có thể thông quan”

Trước những cải cách Bộ KHCN đã thực hiện trong thời gian qua trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chuyên gia kinh kế Ngô Trí Long cho rằng: “Việc cải cách, xóa bỏ những điểm bất hợp lý do chính Bộ đặt ra phải gọi là ‘sửa sai’ chứ không nên cho là thành tích. Tuy nhiên, tiên phong, dám nhận sai và sửa sai là rất đáng hoan nghênh”.

Theo ThS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), Bộ KHCN là một trong những Bộ nghiêm túc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. “Với vấn đề kiểm tra chuyên ngành, Bộ KHCN khá tích cực, có những thay đổi, cải cách về bản chất chứ không đơn thuần là mang những con số, thành tích ra để báo cáo”.

Trong năm vừa rồi, Bộ KHCN đã sửa 2 thông tư (Thông tư 27 và Thông tư 28) liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá, giúp giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm bớt rào cản cho DN.

Đối với kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Bộ KHCN đã chuyển hầu hết các sản phẩm sang giai đoạn sau thông quan.

Trước đây, hàng hóa nhập về ngoài thủ tục với hải quan còn phải chờ có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng mới được thông quan. Các thủ tục kiểm tra này thường có thời gian dài lên đến 2-3 tháng khiến cho chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản hàng hóa bị đội lên rất nhiều.

Thì nay, sau khi hoàn tất thủ tục với hải quan, DN có thể mang hàng về kho, thời gian thông quan rút ngắn có khi chỉ còn 1 ngày. “Dù vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra chất lượng, nhưng việc chuyển từ giai đoạn trước sang sau thông quan giúp giảm chi phí đáng kể cho DN, đồng thời, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, bà Thảo đánh giá.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, vừa qua, Bộ KHCN được Chính phủ giao chủ trì trong việc rà soát các mặt hàng thuộc nhóm 2 - hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

“Tôi đánh giá cao tinh thần tích cực, quan điểm cầu thị, thực sự muốn thay đổi của Bộ KHCN khi rốt ráo làm việc với 12 Bộ, ngành liên quan để thực hiện mục tiêu loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra Nhà nước trước khi thông quan”, bà Thảo cho biết.

Cần tiếp tục cải cách

Tuy nhiên, trong  rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, bà Nguyễn Minh Thảo đánh giá, bên cạnh một số Bộ thực hiện cắt giảm thực chất, thì vẫn còn tình trạng cắt giảm “tinh vi”. “Nếu chỉ nhìn vào kết quả sau rà soát có thể thấy danh mục hàng hoá nhóm 2 của một số Bộ, ngành được giản lược tối thiểu, nhưng thực ra họ chỉ đưa sản phẩm, hàng hóa ra ngoài danh mục này và vẫn sẽ quản lý, kiểm tra căn cứ theo các Luật khác, thực tế họ chẳng cắt giảm gì cả”.

Bà Thảo cho rằng: “Thực hiện cải cách nội bộ thôi đã khó, giờ lại liên quan đến quản lý của nhiều Bộ khác nhau, vì vậy, việc có những thay đổi thực chất hơn cũng là cái khó của Bộ KHCN”.

Bên cạnh đó, còn nhiều hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá nhóm 2 nhưng chưa có quy chuẩn, gây ra sự mập mờ, khó khăn cho DN. Hiện các Bộ, ngành mới ban  hành được 2% sản phẩm có quy chuẩn quốc gia, đây cũng là những áp lực khiến Bộ KHCN phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng nên các quy chuẩn bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện.

Bà Thảo cho biết, Bộ KHCN cũng như nhiều Bộ khác đang thực hiện việc thừa nhận lẫn nhau, tức là khi ký thoả thuận thừa nhận với một quốc gia khác thì những sản phẩm của họ vào Việt Nam đương nhiên sẽ được thừa nhận, không cần kiểm tra và ngược lại.

“Nhưng cái quan trọng hơn là phải chủ động thừa nhận. Bởi vì sản phẩm của Việt Nam để đáp ứng được điều kiện thừa nhận của các nước OECD thì rất khó. Nhưng những sản phẩm từ OECD về thì hoàn toàn có thể thừa nhận vì thực tế họ có tiêu chuẩn cao hơn, kiểm tra tại nguồn của họ tốt hơn chúng ta…”

Bà Thảo thông tin thêm, bản thân trong luật cũng đã quy định một điều khoản rất linh hoạt, các bộ quản lý chuyên ngành được phép quy định những điều kiện miễn giảm kiểm tra với các sản phẩm. “Vậy tại sao không quy định miễm, giảm mà chỉ chấp nhận thừa nhận lẫn nhau?”.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Trong hội nhập điều đáng sợ nhất không phải là ‘lạc hậu’, mà là ‘lạc lõng’, cả thế giới tuân theo quy luật chung, thừa nhận những sản phẩm chất lượng cao, xuất xứ từ các nước phát triển. Nếu chúng ta cứ một mình một chợ, làm theo cách riêng thì cuối cùng sẽ là một nước không bao giờ phát triển, luôn luôn tụt hậu”.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Minh Thảo, các Bộ, ngành đang có xu hướng thừa nhận các kết quả kiểm định, kiểm nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và các đơn vị thử nghiệm. Điều này rất thuận lợi cho DN khi chỉ cần xuất trình các kết quả đó với hải quan sẽ được thông quan ngay.

“Tuy nhiên, các sản phẩm, hàng hóa thuộc quản lý của Bộ KHCN vẫn đang phải làm thêm 1 bước, đó là xin xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước mới được thông quan. Bộ lập luận rằng thời gian xử lý rất ngắn, chỉ mất 1 ngày, nhưng 1 ngày trên lý thuyết văn bản có thể kéo dài hàng tháng trên thực tế bởi vô vàn các lý do”.

Hơn nữa, bà Minh Thảo cho rằng, việc cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đơn thuần nhìn trên hồ sơ và đưa ra xác nhận không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước cũng như hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm. Vì vậy, bà đề xuất nên bỏ thủ tục xác nhận này và coi kết quả kiểm định, kiểm nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp là căn cứ cho thông quan.

Theo bà Thảo, trong Thông tư 07, Bộ KHCN có quy định: Đối với hàng hóa nhập khẩu nếu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp trong 6 tháng, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra miễn kiểm tra trong 1 năm. Để được miễn kiểm tra người nhập khấu phải có văn bản đề nghị miễn kiểm tra.

“Tư tưởng của quy định là tốt nhưng cần thiết phải đánh giá hiệu quả của việc thực hiện quy định đó trên thực tế. Có bao nhiêu DN được miễn kiểm tra như vậy? Việc xin miễn kiểm tra có đang giống với xin cấp giấy phép không?...”

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, các bộ ngành nói chung đang đặt mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, “hậu kiểm bằng cách nào, chọn mẫu hay kiểm tra toàn bộ, cần phải xem xét kỹ”.

Theo ông, phương pháp quản lý DN theo mức độ rủi ro là một phạm trù tất yếu xảy ra đối với mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, không nên phân theo loại hình DN mà phải đánh giá rủi ro thực tế của từng DN, “có những DN hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt, may, nhuộm nhưng ý thức chấp hành tốt, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn thì vẫn mang rủi ro thấp”.

Muốn làm được như vậy, cần liên kết với các bộ, ngành để xây dựng hệ thống thông tin DN. Đồng thời, những người trực tiếp thu thập, xử lý thông tin, phân loại DN phải bảo đảm công tâm, chính trực, tránh tình trạng “đi đêm”, “chạy xếp hạng” để trốn kiểm tra.

Chuyên đề