Bác Hồ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(BĐT) - Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, phải thường xuyên thực hiện để làm cho Đảng ngày càng mạnh lên, đủ năng lực lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển đi lên. 
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng xác định, trong công tác xây dựng Đảng công tác cán bộ là then chốt. Ảnh: Nhật Bắc
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng xác định, trong công tác xây dựng Đảng công tác cán bộ là then chốt. Ảnh: Nhật Bắc

Vấn đề này đã được Bác đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, thực hiện trong suốt hơn 90 năm qua và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí càng trở nên bức thiết hơn. Nhận định này của PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được phóng viên Báo Đấu thầu ghi lại trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xây là chính, chỉnh đốn là bức thiết

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc mở đầu cuộc trao đổi bằng lời khẳng định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo Bác, đây là đòi hỏi khách quan để tồn tại và phát triển. Từ “chỉnh đốn Đảng” được Bác Hồ sử dụng từ năm 1947 trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc (viết vào tháng 10/1947). Lý do Bác sử dụng từ “chỉnh đốn” là vì lúc đó, trong Đảng xuất hiện những khuyết điểm, sai phạm của một số đảng viên, cả về mặt tư tưởng, quan điểm chính trị lệch lạc, hoang mang, dao động, sai phạm cả về ý thức, tổ chức, kỷ luật và đạo đức. Bối cảnh đó yêu cầu công tác xây dựng Đảng tiếp tục đi vào chiều sâu, đồng thời hết sức chú ý chỉnh đốn Đảng.

Tiếp tục tư tưởng về chỉnh đốn Đảng của Bác, sau này, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VII diễn ra vào tháng 6/1992, Nghị quyết của Trung ương Đảng có bổ sung thêm từ “đổi mới”. Từ “đổi mới” ở đây chủ yếu nói đến việc đổi mới tư duy lý luận, nhận thức sâu sắc hơn theo đúng bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển và sáng tạo trong hoàn cảnh lịch sử mới, chứ không phải chỉ nhắc lại một cách máy móc. Lúc đó, chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng và sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Đây là một khía cạnh mới, tiếp tục tư tưởng về chỉnh đốn Đảng, chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội.

“Đổi mới” còn có một khía cạnh nữa là chỉnh đốn về mặt tổ chức Đảng. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên có hiện tượng tha hóa về đạo đức, lối sống. Do đó, để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm cho Đảng mạnh, đủ sức đứng vững trước thách thức của thời kỳ mới, Trung ương Đảng yêu cầu mỗi người cộng sản, mỗi tổ chức Đảng phải đổi mới phong cách làm việc, phương thức lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và hội nhập quốc tế.

Gần đây, chúng ta tiếp tục đặt vấn đề chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu rõ những vấn đề bức thiết trong xây dựng Đảng, đi sâu vào phòng, chống biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Vấn đề xây dựng Đảng đặt ra tại Đại hội XII là phải xây dựng cả về tư tưởng chính trị, tổ chức, đạo đức và chống suy thoái.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, Người không tách riêng vấn đề chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Đảng, mà luôn gắn chặt với nhau. Vấn đề là làm thế nào để kết hợp được cả hai nhiệm vụ này, trong đó, phải lấy xây dựng làm chính, chỉnh đốn là quan trọng và bức thiết.

Cảnh giác với “viên đạn bọc đường”

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn dành sự quan tâm lớn nhất cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Quan điểm của Người được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết với nội dung rất phong phú, cụ thể và sâu sắc.

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, vào năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đã căn dặn các cán bộ, chiến sỹ phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường”. Có thể nhiều người trước hòn tên mũi đạn của kẻ thù thì không nao núng, run sợ, nhưng khi đứng trước tiền tài, danh vọng, vật chất, sắc đẹp xung quanh mình thì không cưỡng lại được sự cám dỗ.

Có 2 lần Bác nói đến tư cách người đảng viên. Lần đầu là vào năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh, Bác nói 23 điểm về tư cách của người kách mệnh như: cần, kiệm, liêm chính, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh vì dân vì nước... Sau thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng cầm quyền, Bác nói đến 12 điều răn về tư cách của một đảng cách mạng chân chính trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc. Bác đã nói gọn bằng một câu thơ: “Muốn cho Đảng được vững bền, 12 điều ấy chớ quên điều nào”.

Người còn nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Thậm chí, có lúc Bác còn nói “dạy bảo cán bộ” là công việc gốc của Đảng; “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”... Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng cũng xác định, xây dựng Đảng là then chốt và công tác cán bộ là then chốt của công tác xây dựng Đảng.

Bác cũng nhiều lần nhắc nhở, chỉnh huấn các cán bộ, đảng viên phải luôn tự phê bình, nhận diện sai lầm để sửa chữa và tránh xa khuyết điểm. Đảng viên phải tự ý thức được việc làm tốt công việc, tu dưỡng, rèn luyện cho trong sạch, không vi phạm kỷ luật của Đảng, quy định của Nhà nước, “ít lòng tham muốn vật chất”. Vi phạm rồi mà không sửa chữa, thì Đảng và Chính phủ sẽ không dung thứ.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc nhận xét, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đã có hơn 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nhiều cán bộ đảng viên khác bị xử lý kỷ luật. Điều này đánh dấu sự quyết tâm chính trị của Đảng, thể hiện kết quả bước đầu rất quan trọng của việc xây dựng và chính đốn Đảng đi vào nề nếp, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước. Chống tham nhũng càng tốt thì càng tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, kích thích người dân và doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn. Trước khi tính tới việc làm một dự án nào đó, thì phải xác định rõ chỗ nào là kẽ hở dễ xảy ra tham nhũng và có phương án đề phòng tham nhũng, bịt kẽ hở. Môi trường đầu tư kinh doanh càng trong sạch, thì người bên ngoài tin tưởng, yên tâm vào đầu tư, người trong nước và doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chỉn chu và có hiệu quả hơn”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng khóa XIII, theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, Đảng ta có rất nhiều việc phải làm. Ông bày tỏ niềm tin và hy vọng vào sự vững mạnh của Đảng khi mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là vấn đề rất lớn được đặt ra đối với thực tiễn xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Chuyên đề