Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu. |
Đây là những tín hiệu tích cực về thị trường tài chính đầu năm 2017, theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Tín dụng tăng, huy động giảm
Đánh giá về tình hình thị trường tài chính 2 tháng đầu năm 2017, UBGSTCQG cho biết tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/1/2017 là 8,727 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2016. Vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán cho nền kinh tế đạt 3,535 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2016.
Đến hết tháng 1, hoạt động cho vay tổ chức và cá nhân tăng 1% so với đầu năm, là tháng 1 có tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm gần đây. Tín dụng tăng cao hơn, tuy nhiên huy động lại giảm -1,6% so với cùng kỳ năm ngoái khiến tỷ lệ LDR (tín dụng/huy động) bình quân của hệ thống tăng từ mức 86,8% cuối năm 2016 lên 88,2%. Thanh khoản của hệ thống căng thẳng nhẹ thể hiện khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng lên khoảng 5% trong tháng 1 và hiện giảm khoảng 1,5 điểm % trong tháng 2. Để hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng hơn 200,311 nghìn tỷ đồng trong tháng 1 và sau đó lại hút về khoản tương ứng trong tháng 2. Lũy kế từ đầu năm, NHNN đã bơm ròng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trên thị trường tháng 1, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay không có nhiều biến động so với tháng trước. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại, cụ thể là VPBank, DongA Bank,
TPBank, Techcombank, Phương Đông, Eximbank… đã ghi nhận hiện tượng lãi suất huy động VND kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1 - 1,2% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Cơ quan giám sát nhận định, nguyên nhân một phần do tác động của quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống mức 50% áp dụng kể từ 1/1/2017 (trước đây là 60%). Tính đến 31/12/2016, vẫn còn một số ngân hàng vượt quá quy định này của NHNN.
Vietcombank nhận lại hết nợ xấu
Bên cạnh đó, UBGSCTCQG kỳ vọng năm 2017 sẽ có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém, từ đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất.
Đối với nợ xấu, trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012 - 2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho VAMC. Song số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý khiêm tốn là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm qua, dù các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ tích cực.
Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190 nghìn tỷ đồng, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tuy vậy, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đang có chiều hướng tích cực cùng với việc đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ xấu, điển hình như Vietcombank đã nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC. VietinBank cũng đặt mục tiêu tương tự trong năm 2017.
Thị trường trái phiếu chính phủ sôi động
Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, trái với không khí trầm lắng cuối năm 2016, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) những tháng đầu năm 2017 khá sôi động. Các kỳ hạn phát hành đa dạng từ 5 - 30 năm với tỷ lệ phát hành trái phiếu trên 5 năm chiếm khoảng 54%, lãi suất các kỳ hạn về cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm nhẹ so với quý IV/2016. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn đến hết quý I/2017 nên lãi suất trong những tuần tiếp theo nhiều khả năng sẽ giữ ở mức ổn định như hiện nay. Dự kiến Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành thí điểm trái phiếu có lãi suất thả nổi từ quý II/2017.
Chỉ số CDS giữ ổn định từ đầu năm, quanh mức 197 điểm (kỳ hạn 5 năm) cho thấy tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế khá tốt, tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại. “Kế hoạch đưa thị trường phái sinh trái phiếu đi vào hoạt động trong quý I/2017 và ra mắt 2 sản phẩm repos mới là vay TPCP để bán và bán/mua lại (sell/buy back) sẽ tạo ra một thị trường giao dịch TPCP thứ cấp sôi nổi và thúc đẩy sự đầu tư của khối ngoại vào thị trường Việt Nam”, UBGSTCQG nhận định.