Thúc đẩy họp ĐHĐCĐ trực tuyến trước nỗi lo dịch Covid-19

(BĐT) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi, VnIndex và nhiều chỉ số quan trọng khác trên thị trường tiếp tục thể hiện xu hướng giảm điểm. Đây cũng là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài có nhiều phiên bán ròng trên thị trường, đồng thời có dấu hiệu rút ròng của vốn ngoại. Cụ thể, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/2/2020, dòng vốn gián tiếp nước ngoài trên TTCK Việt Nam bị rút ròng ở mức tương đương với 0,037% giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Hoạt động bỏ phiếu tại buổi họp ĐHĐCĐ ở một doanh nghiệp vào năm 2018. Ảnh: Internet
Hoạt động bỏ phiếu tại buổi họp ĐHĐCĐ ở một doanh nghiệp vào năm 2018. Ảnh: Internet

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và đại diện một số công ty chứng khoán, dù tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng là không hề nhỏ, nhưng không nên quá bi quan.

Cụ thể, TTCK Việt Nam không thể đặt mình ra khỏi bối cảnh chung của thế giới, nên việc thị trường giảm điểm và khối ngoại bán ròng, rút ròng là khó tránh khỏi. Nhưng với thị trường Việt Nam chưa ở mức đáng lo ngại, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trung gian vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn 2008, khi phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân của Công ty CP Chứng khoán SSI, cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng, nhưng không quá lo ngại và cũng không được chủ quan. Bản thân nền kinh tế Việt Nam cần có giải pháp phòng ngừa riêng.

“FED cũng đã giảm lãi suất và nhiều nước khác cũng đã giảm, vì vậy Việt Nam cũng cần có động thái. Riêng ở SSI, chúng tôi đã có nhiều chính sách để hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho vay ký quỹ (margin), phát triển thêm sản phẩm mới, chủ động cập nhật thông tin”, ông Bùi Thế Tân nói.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết: “TTCK Việt Nam được đánh giá vẫn hấp dẫn vì chúng ta được đánh giá là quốc gia khá an toàn trong đại dịch. Đồng thời, Việt Nam cũng đang có nền kinh tế vĩ mô khá tốt, hay nói cách khác là trong thách thức có cơ hội”.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết, lãnh đạo UBCKNN đã đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sớm có báo cáo về việc áp dụng margin cho một số mã chứng khoán đủ tiêu chuẩn trên sàn UPCoM.

“Nếu các cổ phiếu này đảm bảo được tiêu chuẩn như sàn niêm yết, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính và nếu được đồng thuận sẽ cho phép triển khai để thị trường có cơ hội gia tăng thanh khoản”, ông Phạm Hồng Sơn cho hay.

“Để hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng tổ chức đại hội an toàn, UBCKNN sẽ yêu cầu Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thông tin mạnh mẽ về giải pháp họp đại hội đồng cổ đông và bỏ phiếu qua hình thức trực tuyến. Đây là cách làm mà nhiều TTCK phát triển đã áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công ty đại chúng, kể cả doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa quen thực hiện theo cách này. UBCKNN cũng đốc thúc VSD xem xét lại biểu phí trên thị trường phái sinh, nhất là khoản phí với hợp đồng tương lai. Nếu có thể giảm được cho nhà đầu tư thì cần giảm để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư”, ông Phạm Hồng Sơn nói.

Riêng dịch vụ đại hội cổ đông trực tuyến (e-voting) đã được VSD chuẩn bị nhiều năm qua, hiện cơ bản đã áp dụng được hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch bênh hiện nay.

Chuyên đề