Thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm đối mặt nhiều khó khăn

(BĐT) - Phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành tài chính ngày 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần kiên định mục tiêu tất cả các địa phương phải hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước phải tăng 5% so với dự toán, đây là nhiệm vụ sống còn của Bộ Tài chính.
Đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Internet
Đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Internet

Đã hoàn thành gần 53% dự toán ngân sách

Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước nửa đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6%; thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Cả thu NSTW và NSĐP đều đạt khá; trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Về chi NSNN, 6 tháng đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán; yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, NSTW đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi; đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).

Cân đối NSNN 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng) và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7 nghìn tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm

Chặt chẽ nhưng phải thông thoáng

Đánh giá về tình hình thu – chi NSNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả điều hành thu chi ngân sách 6 tháng khá tích cực. Thu đạt 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng cao nhất từ năm 2015. Tăng thu ngân sách cao gần gấp đôi tăng trưởng GDP.

Về công tác tái cơ cấu NSNN, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, từ năm 2016 tới nay, việc cơ cấu thu - chi NSNN, đảm bảo bền vững nợ công đều thực hiện tốt. “Trước đây nợ 100 đồng thì nợ nước ngoài tới 60 đồng, nợ trong nước là 40 đồng thì nay đã đảo chiều, nợ nước ngoài chỉ còn 40 đồng, nợ trong nước là 60 đồng. Điều này vừa tránh được rủi ro tỷ giá, vừa huy động nội lực trong nước”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 6 tháng cuối năm, thu NSNN sẽ xuất hiện một số khó khăn chủ yếu do thu từ khu vực DNNN, doanh nghiệp FDI và DN tư nhân có xu hướng không được tốt như 6 tháng đầu năm. Trong đó, tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm, tỷ lệ thu NSNN còn thấp như TP.HCM mới đạt tỷ lệ hơn 48%, tình trạng giảm thu xuất hiện ở nhiều lĩnh vực.

“1% số thu của TP.HCM tương ứng 3.500 tỷ đồng, tương mức mức thu NSNN của một số địa phương. Nên thành phố này giảm thu cũng là điều đáng quan tâm. Ngoài ra, một số trọng điểm thu NSNN khác cũng khó thu, chẳng hạn Đồng Nai. Rõ ràng, thách thức thu NSNN vẫn ở phía trước, ta cần phân tích kỹ nguyên nhân, giải pháp phù hợp để phấn đấu vượt dự toán thu NSNN 5%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Để khắc phục khó khăn đó, theo Phó Thủ tướng, về dài hạn cần có định hướng để điều chính chính sách thu đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu và tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, cần có lộ trình sửa thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. “Những việc này cần được thực hiện trên tinh thần chặt chẽ nhưng thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cần phấn đấu cuối năm nay trình Chính phủ Nghị quyết về hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp,

Chuyên đề