Cấp thiết tạo hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới

(BĐT) - Công nghệ thay đổi mỗi ngày nên vòng đời của mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thường rất ngắn, thậm chí có khi chỉ tồn tại được trong 6 tháng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế pháp luật tương ứng với các mô hình kinh doanh này, chưa có một khung khổ pháp lý, một đầu mối để dẫn dắt và giám sát, đánh giá việc thử nghiệm các mô hình này.
Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đưa ra giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế này. Ảnh: Lê Tiên
Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đưa ra giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế này. Ảnh: Lê Tiên

Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?” diễn ra ngày 17/10, tại Hà Nội. 

DN áp dụng phương thức kinh doanh mới gặp khó khăn, vướng mắc

Thời gian qua nở rộ nhiều phương thức kinh doanh mới dựa trên công nghệ như: Uber, Grab, Airbnb... Tuy nhiên, theo TS. Trần Thị Quang Hồng - Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, đến nay vẫn chưa có cơ chế pháp luật tương ứng, trong khi thể chế kinh doanh truyền thống lại chưa được hoàn thiện. Nguy cơ tiềm ẩn xung đột với các mô hình kinh doanh truyền thống là rất lớn.

Trong khi Đảng và Chính phủ đã nhận thức sâu sắc và thể hiện quyết tâm chính trị thông qua các nghị quyết, đề án về kinh tế chia sẻ..., thì hành động thực tế trong quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng, bị động trong việc tìm kiếm, đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp. Đặc biệt là thiếu cơ chế đối thoại minh bạch giữa Nhà nước với doanh nghiệp (DN) và các nhà phát triển công nghệ để áp dụng các mô hình kinh doanh mới.

Do đó, DN và các nhà phát triển công nghệ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn triển khai. Trong khi các quy định hiện hành không đủ để điều chỉnh các phương thức kinh doanh mới mẻ này, thì thời gian để ban hành các quy định pháp luật tương ứng lại rất dài. Đơn cử như mô hình của Grab, đã hơn 3 năm kể từ khi vào Việt Nam, nhưng đến nay DN cung cấp dịch vụ công nghệ này vẫn bị áp vào mô hình kinh doanh truyền thống - DN cung cấp dịch vụ vận tải. Nguyên do là chưa đánh giá được tác động đối với những mô hình kinh doanh truyền thống cũng như người tiêu dùng, chưa rõ những lợi ích và hậu quả kinh tế - xã hội của các mô hình kinh doanh mới.

Và hệ quả của sự chậm trễ này là làm tuột mất cơ hội của DN, của quốc gia. Việc DN tiếp tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh bất bình đẳng và người tiêu dùng không được bảo vệ. 

Cho phép thử nghiệm

Để có ứng xử phù hợp, theo bà Trần Thị Quang Hồng, Nhà nước nên cho phép thử nghiệm các phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới, chưa từng có trước đó (sandbox). Việc thử nghiệm này phải tuân thủ một số nguyên lý cơ bản của pháp luật hiện đại là đảm bảo quyền con người, nguyên tắc pháp quyền, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng..., nhưng phải đảm bảo sự tối giản, tạo điều kiện tối đa cho DN.

Trong quá trình thực hiện, Nhà nước phải giám sát hiệu quả và đảm bảo các hoạt động kinh tế ứng dụng mô hình kinh doanh mới phát triển theo hướng mang lại lợi ích cho chính họ và cho xã hội. Trên cơ sở đánh giá lợi ích mang lại cho xã hội, Nhà nước phải nhanh chóng thiết lập hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, trao quyền chủ động và tạo động lực thực sự cho các cơ quan quản lý nhà nước để có thể chuyển hóa chức năng, vai trò của họ thành những hành động cụ thể. Xây dựng cơ chế cho phép áp dụng các phương thức quản lý mới trên cơ sở có giám sát và rõ ràng về trách nhiệm. Thiết lập cơ chế hợp tác và đối thoại minh bạch giữa các nhà quản lý và DN, các nhà phát triển công nghệ.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, Nhà nước còn phải làm sao để không ai trở thành người thua cuộc bằng cách hỗ trợ họ tiếp cận và chuyển đổi mô hình, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, và bảo vệ lợi ích của người lao động, người tiêu dùng. Nếu bỏ mặc họ thì có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội và đe dọa sự phát triển bền vững.

Luật sư Trần Bảo - Công ty Luật Pantheon cho rằng, cần có một đầu mối để triển khai việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện các DN muốn đề xuất thử nghiệm mô hình kinh doanh mới không biết liên hệ với ai. Thời gian thử nghiệm phải được quy định cụ thể. Khi định ra khung khổ chính sách pháp luật, Nhà nước cũng cần quy định rõ cách thức để DN rút lui, tránh mắc kẹt trong cơ chế, chính sách.

Một điều đáng lưu ý nữa, theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các quy định của pháp luật phải đảm bảo ngày càng được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Đây cũng là cam kết chung của Việt Nam tại nhiều hiệp định thương mại tự do về nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi”.

Chuyên đề