Ông Đinh La Thăng tại phiên toà ngày 17/1. Ảnh: TTX. |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa họp kỳ thứ 24, xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương.
Căn cứ quy định của Đảng cũng như các bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng hiện là bị cáo của hai vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN, Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam PVC” và “vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại PVN”.
Trong vụ án thứ nhất, sau 14 ngày xét xử sơ thẩm ông Thăng đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165, Bộ Luật hình sự 1999). Ông Thăng sau đó có đơn kháng cáo, cho rằng mức phạt với mình là "quá nghiêm khắc”.
Ở vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại PVN, theo bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội, ông Thăng bị phạt 18 năm tù do phạm tội cố ý làm trái và phải bồi thường 600 tỷ đồng cho Tập đoàn. Ông Thăng cũng đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại cả về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự cho bị cáo.
Theo quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm và hướng dẫn thực hiện quy định này, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; khi bị toà tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ...
Quy định 102 cũng nêu rõ bốn hình thức kỷ luật áp dụng đối với đảng viên chính thức gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; như vậy mức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng.