Năm 2021: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là phương châm hành động được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (NQ 01). NQ 01 sẽ là kim chỉ nam, định hướng với các đường găng rõ ràng để đánh giá hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Chính phủ trong năm 2021.
Quang cảnh Họp báo thông tin về NQ 01 và Nghị quyết 02/NQ-CP
Quang cảnh Họp báo thông tin về NQ 01 và Nghị quyết 02/NQ-CP

8 trọng tâm chỉ đạo, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Sáng 4/1, ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về NQ 01 và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các NQ 01 và NQ 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới. Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại NQ 01, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cùng với đó là các phụ lục nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu, chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021; nhiệm vụ cụ thể, với cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành.

Trong đó, có những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đặc thù của năm 2021 là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới… Các nhiệm vụ, giải pháp khác vừa kế thừa từ những năm trước, vừa có những điểm mới, đó là thúc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,…; phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển…

Phát huy vai trò người đứng đầu trong tổ chức thực thi

NQ 01 cũng nêu rõ trước ngày 20/1/2021, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành Chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện NQ này và các phụ lục kèm theo. Trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, phân công đơn vị chủ trì, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tại Phụ lục số 1 và Phụ lục số 3, các nhiệm vụ tại Phụ lục số 4, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; định kỳ hàng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, cập nhật kịch bản tăng trưởng chung của quốc gia.

Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19 phù hợp với diễn biến thực tế xảy ra trong năm...

NQ 01 cũng nêu rõ các bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện NQ này…

Chuyên đề