Giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3, lên mức 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, để có cơ sở tính giá điện cũ và mới ngành điện thông báo và chốt chỉ số công tơ của các hộ dùng điện (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp...) trong 24 giờ, theo Thông tư 16/2014 về giá bán điện.
Với các hộ dùng điện sản xuất do đã lắp đặt công tơ điện tử từ xa, chỉ số điện sẽ chốt vào 0h ngày 20/3. Trường hợp đã lắp thu thập dữ liệu từ xa nhưng không lấy được dữ liệu chỉ số vào 0h, nhà đèn sẽ căn cứ vào dữ liệu lấy được gần nhất sau 0h ngày 20/3 để tính toán thay đổi giá. Các số liệu này được ngành điện gửi email, thông báo tin nhắn tới từng khách hàng để đối chiếu theo dõi.
Riêng hộ gia đình dùng điện sinh hoạt, hóa đơn điện sẽ được tính theo giá cũ và mới trên số ngày dùng điện thực tế.
Theo cách tính này, ví dụ khách hàng tiêu thụ 520 kWh trong 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn 13/3 đến 12/4); số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày; số ngày dùng giá điện mới là 24 ngày.
Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (520 kWh/31 ngày) * 7 ngày = 117 kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 403 kWh.
Ứng với từng bậc thang và đơn giá điện cũ, số tiền điện phải trả của 7 ngày giá điện cũ là 261.564 đồng. Với định mức cho đơn giá mới, số tiền khách hàng phải trả là 976.774 đồng. Tổng cộng số tiền điện phải trả tháng 4 là 1.238.338 đồng (chưa gồm thuế VAT 10%). Và số tiền điện sau thuế là 1.362.172 đồng.
Như vậy, số tiền điện tháng 4 sẽ phải trả thêm 83.015 đồng so với khi giá điện chưa tăng (mức giá cũ là 1.279.157 đồng, gồm thuế VAT).
Bảng tính chi tiết giá điện sau điều chỉnh.
Khoản tiền điện phải trả thêm của hộ sản xuất và hộ dùng điện theo giá kinh doanh khoảng 500.000 đồng một tháng. Với hộ dùng điện sản xuất, số tiền trả bình quân mỗi tháng hiện gần 12,4 triệu đồng. Khi giá điện tăng lên thì số tiền trung bình mỗi hộ phải trả thêm gần 870.000 đồng một tháng...