UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20/CT/UBND của UBND TP Hà Nội. Từ sáng nay, huyện đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn |
Tại khu vực xã Phú Thị, một trong 19 xã, thị trấn đã được phép mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại huyện Gia Lâm, một số cửa hàng đã bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị cho việc kinh doanh trở lại. |
Anh Ngô Đào Anh, chủ quán bánh cuốn trên đường Ngô Xuân Quảng (TT Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tỏ ra rất phấn khởi trước thông tin hàng quán tại khu vực mình sinh sống có thể bán trở lại dù theo hình thức bán mang về. Anh chia sẻ cửa hàng bánh cuốn của mình đã đóng cửa hơn một tháng nên ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế cũng như việc thuê cửa hàng, nay được mở trở lại phần nào sẽ bớt đi gánh nặng. |
Một số khách hàng đã tìm tới các quán ăn mở sớm để mua đồ ăn theo hình thức bán mang về. |
Gia đình chị Xuân kinh doanh quán phở trên đường Phú Thị tất bật lau dọn quán, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết trước khi mở lại cửa hàng vào ngày mai. Được biết, gia đình chị đã đóng cửa hàng hơn một tháng nay và việc được phép kinh doanh dù với hình thức bán mang về cũng khiến cả nhà rất vui. |
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn chưa nhận được thông tin mở cửa trở lại hoặc chưa có sự chuẩn bị được thực phẩm, các cửa hàng này sẽ mở cửa sau đó một vài ngày. |
Cũng trong ngày hôm nay, nhiều chốt chặn đã được dựng lên tại các khu vực tiếp giáp Hà Nội để kiểm soát người dân di chuyển từ vùng đỏ sang vùng cam, vàng xanh và ngược lại. |
Tại chốt chặn trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), đây là khu vực có lượng lớn người dân di chuyển từ vùng cam lên cầu Chương Dương sang vùng đỏ nên được kiểm soát khá chặt chẽ, tất cả phương tiện được yêu cầu dựng lại kiểm tra thân nhiệt và giấy tờ cần thiết. |
Tổng cộng sẽ có 39 chốt trực tại "vùng đỏ". Theo hướng dẫn mới từ TP Hà Nội, khu vực vùng đỏ gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Trong đó có triển khai 21 chốt cấp thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao; mỗi nơi 16 cán bộ, chiến sĩ; 9 chốt do quận, huyện quản lý (mỗi nơi 9 cán bộ, chiến sĩ) và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý (mỗi nơi 4 cán bộ, chiến sĩ). |
Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. |
Trong ngày đầu tuần, lượng xe cộ đổ ra đường là tương đối đông đúc, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng ùn tắc nhẹ, đặc biệt là các khu vực có chốt kiểm soát. |
Tại khu vực đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hàng rào chia 2 làn đường được lực lượng chức năng tạo lên để kiểm soát lượng xe cộ qua lại, điều này khiến tình trạng tắc cục bộ trong khoảng thời gian từ 7-8h sáng. |
Phương tiện bị ùn ứ, dồn sát vào nhau, nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi không đảm bảo giãn cách. |
Hai lớp chốt chặn liên tiếp thậm chí không giảm tải được tốc độ kiểm tra xử lý giấy tờ mà còn khiến giao thông ùn ứ đông hơn. |
Tại khu vực đường Nguyễn Trãi, xe cộ ngày một đông đúc vào khoảng thời gian từ 7h30 sáng trở đi. |