Gói thầu Mua sắm phân bón cho vườn cây cao su kinh doanh năm 2021 của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị có giá gói thầu 1,515 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Đức Thụy |
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm phân bón cho vườn cây cao su kinh doanh năm 2021 được Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị công bố, Công ty Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung trúng thầu với giá 1,499 tỷ đồng (giá gói thầu 1,515 tỷ đồng) thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị gửi đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu tham dự Gói thầu cho rằng, quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa thực sự công tâm, cạnh tranh… khiến HSDT của Nhà thầu bị loại một cách bất thường.
Theo Nhà thầu kiến nghị, HSMT có tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu. “HSMT đã yêu cầu quá chi tiết về những thành phần không thiết yếu đối với sản phẩm phân bón NPK 16-8-16, hạn chế sự tham gia dự thầu cả các nhà thầu”, Nhà thầu phản ánh.
Cụ thể, HSMT yêu cầu đặc tính kỹ thuật của hàng hóa NPK 16-8-16 là loại phân chuyên dùng cho cây cao su có đúng các chỉ tiêu và hàm lượng dinh dưỡng: “đạm tổng số (Nts) = 16%; lân hữu hiệu (P2O5hh) = 8%; kali hữu hiệu (K2Ohh) = 16%; lưu huỳnh (S) = 1%; canxi (Ca) = 1%; magie (Mg) = 1%; độ ẩm không lớn hơn 5%”.
Nhà thầu cho biết, chỉ có 1 mặt hàng trên thị trường đáp ứng yêu cầu của HSMT. Đó là sản phẩm của Công ty TNHH Quế Lâm miền Trung thuộc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phòng Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, phản ánh của Nhà thầu là không có cơ sở. Những nhà thầu nào có mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như HSMT yêu cầu đều đáp ứng. Đây không phải là mặt hàng mà nhà thầu Quế Lâm độc quyền.
Bà Chi cũng cho biết, tại Báo cáo xét thầu, Công ty TNHH A&N (nhà thầu tư vấn đánh giá HSDT) chỉ ra, HSDT của Nhà thầu kiến nghị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vì sử dụng phân bón NPK do Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sản xuất, tuy nhiên không có tài liệu chứng minh Nhà thầu được ủy quyền hoặc cấp phép kinh doanh các sản phẩm của Công ty. Nhà thầu kiến nghị có Giấy chứng nhận hợp quy và quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kèm theo, song không có sản phẩm NPK 16-8-16 với đặc tính kỹ thuật được quy định tại HSMT mà chỉ có sản phẩm NPK 16-8-16+4S (hàm lượng lưu huỳnh 4%; hàm lượng yêu cầu của HSMT là 1%)…
Theo một chuyên gia về đấu thầu, nếu pháp luật chuyên ngành không yêu cầu cụ thể về thông số kỹ chi tiết của hàng hóa mà chỉ đưa ra chỉ tiêu chất lượng nằm trong khoảng yêu cầu thì trong trường hợp này, HSMT đã hạn chế sự tham gia của nhà thầu khi cố định cứng thông số kỹ thuật hàng hóa. “Nếu việc cố định cứng thông số này dẫn đến chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng thì là hạn chế sự tham gia của nhà thầu”, chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm.
Một nhà thầu tư vấn cho biết thêm, theo Phụ lục I, Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, chỉ tiêu chất lượng và mức sai lệch so với mức đăng ký được chấp nhận về chỉ tiêu chất lượng đối với phân bón rễ. Đối với phân bón NPK trung lượng (trường hợp Gói thầu) đều cho phép có mức sai lệch so với mức đăng ký chỉ tiêu chất lượng chính.
Bên cạnh nội dung trên, Nhà thầu kiến nghị cũng bày tỏ nghi ngờ về sự bất thường tại Gói thầu với việc nhà thầu xếp thứ nhất (Công ty TNHH Quốc tế Tân Hồng Lam) nhưng không được lựa chọn, trong khi nhà thầu xếp thứ hai (Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung) lại trúng thầu. Về nội dung này, bà Chi từ chối chia sẻ thông tin.
Theo Báo cáo xét thầu, để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa chào thầu, Công ty TNHH Quốc tế Tân Hồng Lam có cung cấp Giấy ủy quyền kinh doanh phân bón của Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung ngày 5/1/2021; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón của Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung…