TS Nguyễn Đình Cung ủng hộ yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm các điều kiện kinh doanh. |
Tại Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, sản lượng tiềm năng có xu hướng liên tục cải thiện.
Tuy nhiên, để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, không thể để tiếp tục chậm trễ như 2 năm gần đây. Tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.
Đối với các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/3 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Việc tăng lương không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
“Quan trọng là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần cải cách mạnh mẽ về hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn tối đa thời hạn, giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; miễn thuế hoặc thực hiện ưu đãi thuế đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp.
"Hiện hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư nước ngoại tài Việt Nam rất cao, thậm chí gấp tới 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nếu tính theo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư. Do đó, nâng cao năng lực canh tranh cho các doanh nghiệp nội là rất cần thiết", ông Cung phân tích.
Ông Nguyễn Thâm – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam đã đề cập đến hàng loạt những nút thắt cần phải tháo bỏ để nền kinh tế có thể phát triển.
Ông Thâm lấy ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường quy định doanh nghiệp cần có phương án bảo vệ môi trường, kho chứa rác thải rắn, rác thải độc hại..., lập trạm quan trắc, nếu không phải thuê tư vấn quan trắc đo đạc và lập báo cáo định kỳ. Nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các công ty làm dịch vụ này được cán bộ quản lý môi trường khu vực "chỉ định".
Một rào cản khác chính là tình trạng giấy phép con. Cần rà soát lại hệ thống luật pháp, những văn bản nào không phù hợp, làm ách tắc sản xuất kinh doanh cần dỡ bỏ. Cần tiếp tục cuộc chiến loại bỏ “giấy phép con”, khơi thông dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho sức sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố được kỳ vọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường nội địa và quốc tế chính là giảm chi phí logistics của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thâm cho rằng, nếu không có những thay đổi tích cực và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa thì gánh nặng của các chi phí không chính thức bên cạnh các chi phí logistics sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa. Đây chính là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Ông Thâm đề xuất, muốn vậy, cần tập trung giảm một số thành phần cấu thành chi phí này như giá nhiên liệu, chi phí cầu đường, BOT…; minh bạch trong thủ tục hải quan và vận tải bộ để chi phí chính thức không còn là gánh nặng cho chi phí logistics.