Nhà thầu nhiều lần bị cảnh báo về tiến độ thi công tại Dự án đô thị xanh Thừa Thiên Huế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế gần 264 tỷ đồng. Dự án gồm có 10 gói thầu xây lắp.
Trong đó, Gói thầu số 24 (HU-CW03) Hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba đang rất ì ạch. Gói thầu được khởi công từ tháng 4/2021, do Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện với giá trúng thầu 204,438 tỷ đồng; hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thời hạn thực hiện hợp đồng 36 tháng. Hiện Nhà thầu đang triển khai thi công 14 tuyến đường, 4 hồ (Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo và hồ Vuông) và kè Đông Ba. Các công trình đều dang dở.
“Gói thầu đã bị chậm hơn 1 năm, đến cuối tháng 3/2023 mới quyết toán hơn 87,8 tỷ đồng, đạt hơn 39% giá trị hợp đồng”, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II thông tin. Ngoài nguyên nhân “cố hữu” về mặt bằng, ông Việt cho biết, Nhà thầu đang thiếu cả về nhân lực và thiết bị. Cụ thể là thiếu chỉ huy công trường; máy lu, máy đào, xe tưới nước mặt đường, chuyền thảm bê tông nhựa không đáp ứng…
Cùng hoàn cảnh “chậm sâu” là Gói thầu số 27 (HU-CW06) Đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa do Liên danh Công ty CP Thành Đạt (trụ sở tại Thừa Thiên Huế) - Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công, với tổng giá trị hợp đồng hơn 89 tỷ đồng, thời hạn thực hiện hợp đồng là 36 tháng. Gói thầu này được khởi công xây dựng tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành trong tháng 8/2023, nhưng mới chỉ đắp đất nền một số đoạn, thi công một số cống ngang trên tuyến, đúc dầm cầu. Đoạn từ đường Bùi Thị Xuân đến đường Lê Ngô Cát dài hơn 1,9 km chưa triển khai thi công. “Tổng giá trị thực hiện lũy kế đến cuối tháng 3/2023 mới đạt gần 5,8 tỷ đồng, đạt 6,5% giá trị hợp đồng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Ngoài các gói thầu trên, Gói thầu số 28 (HU-CW07) Nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ và đường 100 m nối 2 khu đô thị A và B Khu đô thị mới An Vân Dương do nhà thầu Công ty CP 479 Hòa Bình (trụ sở tại Nghệ An) thi công đã “án binh bất động” 4 tháng nay. Gói thầu có giá trị 109,51 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 7/2021, thời hạn thực hiện hợp đồng 30 tháng. Đến nay đã qua 26 tháng nhưng trên công trường trơ trọi các trụ cầu đang đúc dở, đường dẫn và mố cầu Bắc - Nam vướng mặt bằng nên công tác thi công “đứng hình”.
Trước thực trạng chậm tiến độ, rủi ro cao bị cắt vốn tại một số gói thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II đã phát văn bản lần thứ 4 cảnh báo đối với Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 và một số nhà thầu khác, yêu cầu khẩn trương huy động bổ sung nhân lực, vật lực để thi công bù khối lượng theo hợp đồng; tăng cường cán bộ kỹ thuật, nghiệm thu công việc, kiểm tra, kiểm soát khối lượng các đợt nghiệm thu thanh quyết toán kịp thời. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh theo hướng chấm dứt hợp đồng do đã cảnh báo, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không tổ chức thi công phần việc 1,9 km thuộc Gói thầu số 27 và cho phép chỉ định nhà thầu tiếp tục thi công khối lượng công việc còn lại.
Theo chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, việc xử lý các nhà thầu chậm tiến độ dựa trên các điều khoản hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư với nhà thầu. Căn cứ vào các điều khoản đó để đánh giá mức độ chậm thi công do khách quan hay chủ quan. Nếu do khách quan thì có thể châm chước, nhưng nếu là nguyên nhân chủ quan thì cần thanh lý hợp đồng. Điều 117, Khoản 11 Nghị định 63/2014/NĐ-CP cho phép và nói rất rõ về tình huống này. Vì vậy, việc chậm tiến độ Dự án, công trình phải được xem xét, làm rõ nguyên nhân để đưa ra quyết định chính xác.