Ảnh Internet |
Ngày 4/7, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trần Trung Dũng và Nguyễn Xuân Nghiêm cùng ba bị cáo khác về tội Cưỡng đoạt tài sản. Do bị cáo Nghiêm vắng mặt nên tòa đã hoãn phiên xử.
Theo cơ quan công tố, Dũng là nhân viên của một công ty truyền thông, được tổng giám đốc cử sang gặp bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (giám đốc) của một thẩm mỹ viện để quảng bá thương hiệu cho trung tâm này.
Trong buổi làm việc, bà Hằng nói muốn đẩy mạnh cơ sở của mình, vượt qua thẩm mỹ viện Keangnam. Để việc cạnh tranh nhanh, hiệu quả, bà này thuê nhóm Dũng phát tán bài viết nói xấu đối thủ, đưa lên các trang mạng xã hội...
Cuối tháng 9/2015, sau khi nhận được một số bài viết từ bà Hằng, Dũng đã phân công cho Nghiêm tổng hợp, dựng thành video dài khoảng 10 phút. Nghiêm đồng thời lập các từ khóa liên quan đến thẩm mỹ viện được thuê nói xấu gồm những cụm từ: "vi phạm pháp luật, chết người, gây chết người...".
Mục đích của các từ khóa để hướng dẫn người đọc dễ tìm video có nội dung nói xấu về thẩm mỹ viện Keangnam. Sau đó, Nghiêm nhân bản thành 100 video, đồng loạt đưa lên các trang mạng xã hội.
Nhóm của Dũng nhận được tiền công 160 triệu đồng từ bà Hằng.
Một ngày sau khi đồng loạt đăng tải video, tin bài nói xấu, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Keangnam phát hiện. Đại diện cơ sở này lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu, bôi nhọ uy tín nên đã tìm cách nhờ người gỡ tin bài, video xuống.
Theo cáo buộc, Dũng nảy sinh ý định "làm tiền", nên đóng vai "bên thứ ba", hứa đứng ra giải quyết gỡ bài. Anh ta yêu cầu cơ sở này phải chi một tỷ đồng gỡ bỏ các bài viết, hình ảnh và 500 triệu để được "nói tốt" trở lại.
Tối đầu tháng 10/2015, Dũng nhận 700 triệu đồng từ đại diện cơ sở thẩm mỹ trên thì bị công an bắt giữ.
Dũng và đồng bọn khai, làm theo chỉ đạo của tổng giám đốc, song cơ quan điều tra cho rằng không có tài liệu chứng minh.
Liên quan đến vụ án, bà Hằng bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng vì hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, sử dụng thông tin số xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác.